Đêm rằm COVID có trăng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có lẽ không ai ngờ “cơn bão” COVID-19 quét qua TPHCM để lại nhiều đau thương đến thế. Đợt dịch bùng phát lần thứ 4, cùng đợt giãn cách kéo dài hơn 3 tháng qua đã khiến hơn 1.500 trẻ bỗng chốc thành mồ côi.

Mấy ngày nay, chị Lan, ở Phú Mỹ Hưng, quận 7 tất bật hơn dù TPHCM vẫn đang trong những ngày giãn cách xã hội. Chị tỉ mẩn gói ghém những phần quà Trung thu dành tặng những đứa trẻ vừa bị đại dịch COVID-19 “cướp” đi cha mẹ, người thân. Chị nói, mỗi khi đọc được những thông tin về trường hợp các bé mất cha mẹ chỉ trong vòng vài ngày, 1 tuần, nước mắt lại rơi. Chỉ muốn làm gì đó, an ủi phần nào những tâm hồn non nớt đang bị tổn thương.

Tại một số hội nhóm, tổ chức thiện nguyện, cơ quan đoàn thể, ngoài danh sách các gia đình thuộc diện khó khăn cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm… hiện nay, họ lập thêm danh sách trẻ mồ côi, nhằm kịp thời giúp đỡ các em.

Là địa phương chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, TPHCM thời điểm hiện tại có hơn 620.000 người nhiễm bệnh, gần 13.000 người tử vong. Đặc biệt, có khoảng 1.500 học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT mồ côi.

Dịp Tết Trung thu năm nay cũng vì thế mà mang một màu sắc buồn hơn; Buồn không phải vì trẻ em không được tụ tập rước đèn, phá cỗ, xem múa lân; Buồn vì trong mắt các em hiện rõ nỗi cô đơn, bơ vơ trong những ngày sắp tới. Trước đây, có thể các em không có cỗ trung thu vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn bây giờ, ngay cả gia đình, cha, mẹ, cũng không còn nữa.

UBND TPHCM cho biết, Trung thu năm nay, các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc dành sự quan tâm cao nhất, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ trẻ em, là con em của những người đang ở tuyến đầu chống dịch; trẻ em có cha, mẹ, người nuôi dưỡng mất vì COVID-19; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, khó khăn, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo…

Tuy nhiên, trung thu chỉ là một ngày, nên nỗi lo lắng, sự quan tâm không chỉ trong ngày đó. Cả một chặng đường dài phía trước của các em, ngoài vấn đề cơm áo, học hành, còn đó nỗi lo bị ảnh hưởng tâm lý, tổn thương tinh thần do dịch bệnh kéo dài, tổn thương vì thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Nhiều chuyên gia tâm lý tỏ ra lo ngại về việc trẻ dễ sang chấn tâm lý khi đột ngột mất hết người thân, đặc biệt là cha mẹ. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt lâu dài với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống hiện tại và tương lai khi không còn nơi nương tựa cả về tinh thần lẫn vật chất.

Đối với những trẻ mồ côi trong đại dịch lần này, nếu không được sắp xếp hợp lý, sẽ kéo theo những ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống các em. Vì thế, hơn bao giờ hết, chính quyền các cấp cần có một kế hoạch cụ thể, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, góp sức hỗ trợ, cùng đồng hành với các em, những đứa trẻ kém may mắn, mất cha, mất mẹ vì đại dịch COVID-19 không chỉ trong mùa Tết Trung thu năm nay.

Một trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân giúp 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì COVID-19 vừa được ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT công bố cùng với hàng loạt doanh nghiệp hứa đỡ đầu, nuôi dưỡng cho các em còn lại. Hy vọng, các mái ấm này sẽ giúp các em vơi đi phần nào nỗi đau mất mát này.

MỚI - NÓNG