Một bệnh nhân loạn thần vì hít chất gây nghiện đang chuẩn bị được chuyển đến khu điều trị nội trú. Ảnh: Thiên Chương. |
"Nó đang ở đó. Tui thấy nó chạy qua người thằng Tân rồi băng qua cánh đồng cỏ trước khi bơi xuống dưới mép sông. Tìm nhanh đi. Lấy vũ khí gấp để tấn công nó nha. Phải cẩn trọng mới được", bệnh nhân Tuấn nói to. Vừa chỉ huy, anh này vội đưa tay xuống chân cầm chiếc dép lên như tư thế cầm cung tên, một mắt mở to, mắt còn lại nhắm hi hí.
Thấy "đồng đội" tỏ ra cực nghiêm trọng, hai bệnh nhân khác cũng rời giường lao theo. "Đâu đâu, con thỏ lớn không. Lông trắng hay lông xám. Bắt được nướng nhậu luôn", một bệnh nhân nói. Như để hỗ trợ cho Tuấn, anh này khom người, dang hai tay ra theo kiểu sợ "con thỏ" chạy mất.
Bị đám người rượt đuổi, con thỏ thực ra chỉ là chú chuột nhắt dừng lại vài giây rồi vùng chạy thật nhanh. Đám "thợ săn" 4 người đuổi theo phang "vũ khí" tới tấp. Một người không đuổi mà đứng tại giường miệng hô to "Bắt sống nó đi đừng cho nó tẩu thoát". Người khác vỗ vào thành giường ầm ầm và luôn miệng "Cố lên, cố lên".
Quá quen với cảnh tượng này, nhóm bệnh nhân cũng không đến nỗi gây rối, các hộ lý và điều dưỡng không can thiệp mà chỉ nhắc nhở giữ trật tự yên lặng. Cuộc "săn bắn" diễn ra gần 10 phút nữa mới dừng lại. Nguyên nhân do "thỏ" sau khi chạy vòng vòng đã tìm được lối thoát ra khỏi phòng.
Vã mồ hôi không đạt được kết quả, nhóm bệnh nhân người nhăn mặt, kẻ nhíu mày đổ thừa "vì mày mà nó thoát", "tại thằng kia la quá to", "chú bắn dở như hạch". Nhìn thấy vẻ thất vọng của các "thợ săn", một bệnh nhân lớn tuổi nãy giờ nằm yên lặng quan sát chợt nói trỏng "Thỏ gì mà thỏ. Nhìn lông là tao biết nhím rồi. Đúng là lũ khùng". Khi ai về giường nấy thì kim đồng hồ chỉ 22h.
Nằm ngay mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn quận 5, TP HCM, sau khi nhường đất để làm đường, diện tích Bệnh viện Tâm thần (trước đây có tên Bệnh viện Chợ Quán) còn lại một nửa. Chính vì vậy, những tiếng la hét như kiểu săn đuổi chuột cất lên trong đêm thì ngay cả người đi đường bên ngoài cũng nghe thấy.
Cũng như bao đêm, khu điều trị nội trú Bệnh viện Tâm thần không yên tĩnh. Nối tiếp nhau là tiếng la hét, tru tréo, chửi bới; có khi tiếng bước chân loanh quanh khắp phòng hay ai đó đánh bốp vào người. Đêm 22 rạng sáng 23/5 cũng không ngoại lệ. Chỉ hơn nửa giờ sau khi cuộc săn đuổi thỏ ầm ĩ chấm dứt thì một âm thanh khác vang lên. Lần này là từ bệnh nhân nam có cái đầu trọc khoảng ngoài 30 tuổi mắc chứng trầm cảm nặng.
"Trời ơi con kiến mất dạy, sao lại chui vào mũi tao", vừa la to, bệnh nhân vừa cho một ngón tay vào mũi ngoáy. Mặt anh nhăn nhúm như đang bị đau nhưng vẫn ngoáy lấy ngoáy để mũi. Nghe tiếng bệnh nhân gây ồn, hai hộ lý Phương, Hiển lập tức có mặt. Dù đã quát chặn từ xa, song khi cán bộ y tế đến nơi thì bệnh nhân này đã chọc ngón tay vào mũi sâu đến mức máu tuôn thành dòng.
"Thế đã bắt được con kiến chưa?", người hộ lý hỏi. "Hình như hông phải kiến. Em nhầm" - bệnh nhân đáp tỉnh queo, vừa nói vừa chìa cái mũi ra để điều dưỡng lau máu.
Quậy phá rất ầm ĩ nhưng mỗi đợt quậy của bệnh nhân lại không kéo dài. Chỉ vài phút sau khi "anh tìm kiến trong mũi" la làng, căn phòng lại lặng ắng chỉ còn lại tiếng ngáy và thi thoảng là tiếng đập muỗi chan chát của vài bệnh nhân.
Khu nội trú nam vừa yên chừng một giờ đồng hồ thì đến khu nội trú nữ. Khởi động cho những hành động bất thường trong đêm là bà Năm nhà ở quận Bình Tân. "Thức dậy đi, giờ này sáng trắng trời mà còn ngủ gì nữa", bà cụ vừa nói vừa đi đến giường lay từng người dậy. Một vài người mở mắt ra rồi nhắm lại, số khác bật dậy đòi đi "đánh răng".
Thấy có người hưởng ứng, cụ bà ngưng không đánh thức nữa mà cầm cây chổi vừa quét phòng vừa nói to: "Con Yến đâu rồi, sao giờ này chưa thức dậy nấu hủ tiếu. Lát khách đến không kịp bán bây giờ". Bệnh nhân quát tháo mãi cho đến khi hộ lý nhắc nhở mới nằm xuống giường nhưng vẫn chưa chịu ngủ. Người nhà cho biết, bà bệnh như vậy đã hơn 5 năm nên đưa vào bệnh viện chữa trị.
Sau màn la hét của bà Năm, Bệnh viện Tâm thần yên hẳn khoảng một tiếng đồng hồ, cho đến khi bệnh nhân Tuyết, 31 tuổi, giật mình tỉnh giấc. Thân hình mảnh mai, làn da trắng, khuôn mặt khả ái nhưng ánh mắt như vô hồn, Tuyết gọi tên một người con trai rồi mắng nhiếc luôn miệng.
Bệnh nhân có dấu hiệu vào cơn bấn loạn, hộ lý và điều dưỡng đều đến bên cạnh để dỗ ngọt nhưng người phụ nữ vẫn huơ tay múa chân la hét. Tiếng la của cô khiến cả bệnh viện thức giấc, trong đó có cả hơn 20 bệnh nhân nam thể nặng đang ở khu bên cạnh. Gần về sáng, mọi người trở nên nhốn nháo hơn và chỉ bình yên trở lại trong giờ dùng điểm tâm.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM cho biết, chuyện la hét hay bệnh nhân nổi cơn rồi có những hành động bất thường như thế đã trở nên quá quen thuộc với những ai làm việc tại bệnh viện này.
"Nhiều đêm tôi trực ở phòng mà tiếng la hét từ khu điều trị nội trú cứ vọng lên suốt đêm. Biết làm sao được bởi những người vào đây đều bị bệnh tâm thần nặng. Nhiệm vụ của chúng tôi là sống cùng họ, hiểu tính nết, bệnh tình của từng bệnh nhân để điều trị", bác sĩ Trụ nói.
Nói về tình trạng bệnh nhân vào cơn loạn thần, anh Hiển - một hộ lý có gần 30 năm làm việc với người tâm thần, cho biết những hành động của bệnh nhân như nửa đêm "săn thỏ", cho tay vào mũi hay la hét chửi bới, vẫn là những biểu hiện khá ôn hòa chẳng có hại ai.
"Phải một lần chứng kiến cảnh họ lên cơn hung hãn, đè nhau ra đánh, đánh luôn cả bảo vệ, hành hung hộ lý mới hiểu được đúng nghĩa 4 chữ 'bệnh viện tâm thần'", nam điều dưỡng nói.
Bệnh viện Tâm Thần TP HCM có tiền thân là Bệnh viện Chợ Quán được xây dựng vào năm 1862. Từ năm 1904 bệnh viện bắt đầu có khu điều trị tâm trí. Từ sau tháng 4/1975 nơi đây phát triển cơ sở, chuyên môn và nhân sự , trở thành bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về tâm thần ở thành phố. Bệnh viện có khoảng 400 nhân viên y tế, 2 khoa điều trị nội trú nam nữ riêng biệt, mỗi khoa có khoảng 50 giường bệnh. Khám bệnh cả ngày, ban đêm bệnh viện chủ yếu tiếp nhận cấp cứu. Mỗi đêm, bệnh viện có một bác sĩ trực lãnh đạo, 3 bác sĩ điều trị và hơn 10 điều dưỡng, hộ lý. Đêm cũng là lúc các bệnh nhân tâm thần thường có hành vi bất thường. |
Theo Thiên Chương
Vnexpress