Đêm hoàng cung ở Hà Nội

Đêm hoàng cung ở Hà Nội
TP - Đêm hoàng cung, Nhã nhạc, tuồng, ca Huế, món ngon cố đô..., đó là những gì sẽ hiện diện tại Tuần văn hóa Huế trong ngày di sản văn hóa Việt Nam 23/11, tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội).

Đồng hành Tuần văn hóa Huế là chương trình Ngày về nguồn, hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Đào Hoa Nữ- một người gốc Huế tái ngộ người xem qua triển lãm ảnh Họa tiết cung đình Huế, với 100 bức ảnh về họa tiết, hoa văn của các công trình kiến trúc di tích Huế.

Con gái Huế chỉ đi và đi rất dịu dàng, nhưng Đào Hoa Nữ thì “chạy” điên cuồng giữa mọi vùng miền đất nước, và có lẽ vì thế chị chưa lần nào vắng mặt ở mùa lễ hội của quê hương.

Cạnh không gian của Đào Hoa Nữ là triển lãm thư pháp Hà Nội- Huế và những bài thơ Hán Nôm gồm những bức thư pháp viết trên vóc sơn mài, kích thước lớn, thể hiện thơ Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, các nhà thơ Miên Thẩm, Miên Trinh, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản...

Theo ông Phùng Phu- Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, có cả thơ Hồ Chí Minh và Tố Hữu.

Ngoài ra, có triển lãm cổ vật Đời sống cung đình xưa, Huế- Thành phố văn hóa, du lịch, thành phố Festival, Huế xưa và nay qua hình ảnh, trưng bày và trình diễn làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân xứ Huế, khu ẩm thực gồm chè, bún Huế, bánh, cơm sen...

Màn hình 3D giúp khách xem lại lễ hội Nam Giao, đàn Xã Tắc, chương trình Huyền thoại sông Hương, Đêm hoàng cung...

Ông Phùng Phu cho biết, sẽ cố gắng tái hiện Đêm hoàng cung với sự trợ giúp của học sinh, sinh viên (HSSV) Hà Nội. 180 diễn viên, nhạc công của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế “đổ bộ” Hà Nội đợt này để biểu diễn Nhã nhạc, tuồng, ca Huế...

Tối 21/11, chương trình nghệ thuật cung đình khai màn. Sáng 22/11, thi tìm hiểu văn hóa Huế, chiều cùng ngày thanh niên, sinh viên Hà Nội và Huế giao lưu, tối 22/11: chương trình Vũ khúc cung đình. Các trò chơi dân gian và cung đình diễn ra tất cả các tối trong Tuần văn hóa, đó là những trò bài vụ, xăm hường, thả thơ và đầu hồ...

Ngày 23/11 dành cho chiếu thơ 1.000 năm Thăng Long và ca Huế, ngày 24/11 là chương trình 700 năm thơ Huế. Tọa đàm Cơ hội và thách thức đối với di sản văn hóa Huế trong thời kỳ phát triển và hội nhập diễn ra sáng 21/11, toạ đàm Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc bắt đầu từ sáng 22/11.

Tại Cố đô, hôm 16/11, 2.000 HSSV đã ra quân làm sạch môi trường, vớt bèo, muống cho hệ thống thủy đạo của kinh thành.

Theo ông Ngô Hòa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế, trong đợt kỷ niệm 15 năm Huế được công nhận Di sản thế giới (ngày 11/12 tới), tỉnh sẽ tổ chức lễ hội tại điện Thái Hòa nếu thời tiết thuận lợi. Trong ngày 14/12, mọi cánh cửa di sản ở cố đô đều được mở rộng đón chào du khách tham quan.

Đây là hoạt động do Bộ VH-TT-DL, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức từ 21-25/11, nhằm kỷ niệm 15 năm quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, 5 năm Nhã nhạc cung đình Huế được ghi vào danh mục kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.  

MỚI - NÓNG