Đêm của người từng hứa dừng ngay cuộc chiến ở Việt Nam

Đêm của người từng hứa dừng ngay cuộc chiến ở Việt Nam
Thời điểm ấy, không khí dạ tiệc của hơn 200 quan khách dường như mang một sắc thái mới. Uyên bác. Thấu tình đạt lý và pha chút hài hước, cụ George McGovern đã làm cho cái đêm dạ tiệc ở khách sạn Charles tại Boston thành đêm McGovern - Việt Nam...
Đêm của người từng hứa dừng ngay cuộc chiến ở Việt Nam ảnh 1
Cựu thượng nghị sỹ George McGovern phát biểu tại tiệc chiêu đãi Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do tập đoàn IDG tổ chức

Lại tiệc! Với bản tính bủn xỉn vì thời gian ở xứ người vốn eo hẹp lại luôn bị câu thúc bớt xén, quả tình tôi đã ngài ngại khi lướt mắt qua những thực khách sang trọng tại tầng 3 thênh thang của khách sạn Charles.

Những dãy bàn kê liền nhau ngồn ngộn sáng loáng thìa nĩa. Quả danh bất hư truyền. Bữa đại dạ tiệc này do ông Pat McGovern - Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị IDG (tập đoàn dữ liệu Quốc tế) - chiêu đãi chào mừng Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Việt Nam.

Tôi trích ra đây ít dòng về Cty IDG khổng lồ này: Được thành lập năm 1964. Là Cty hàng đầu thế giới kinh doanh về số liệu, thông tin trang mạng các ấn phẩm về công nghệ thông tin. Tổ chức triển lãm hội chợ tin học và lập các quỹ đầu tư mạo hiểm với thu nhập năm 2004 là 2,46 tỷ USD và có 13.000 người làm việc.

IDG có hơn 300 loại tạp chí và tờ báo ở 85 nước trên thế giới như Computer World, PC World... với 85 triệu độc giả. IDG có hơn 40 trang web ở 80 nước. Cty cũng có 170 chi nhánh ở 35 nước chuyên lo tổ chức các hội nghị quốc tế triển lãm, hội chợ.

Tại Việt Nam, IDG có văn phòng đại diện từ năm 1998. Lạ nữa, mới nữa là hiện nay ở nước mình có một cái nghề mới là nghề kinh doanh mạo hiểm! Này đây, Cty mạo hiểm IDG Việt Nam mới thành lập dự kiến trong năm 2005 sẽ có 5 Cty cổ phần hoặc tư nhân được xem xét đầu tư và IDG có kế hoạch đầu tư mạo hiểm vào 30 Cty từ nay đến năm 2010.

Nhưng có lẽ tôi nán lại tại dạ tiệc này hơi lâu bởi cái cần nói nhất là chốc nữa sẽ xuất hiện một nhân vật mà những người Việt lứa chúng tôi, vào những năm đầu bảy mươi của thế kỷ trước đều biết cái tên: Cựu Thượng nghị sỹ George McGovern - Ứng cử  viên Tổng thống Hoa Kỳ năm 1972, giờ là Đại sứ của Mỹ tại LHQ về xóa đói nghèo. Kia rồi, cái vóc dong dỏng xương xương của cựu Thượng nghị sỹ đang thấp thoáng giữa những dãy bàn. Trong số thực khách  đứng lên vỗ tay chào đón Cựu Thượng nghị sĩ bật lên tà áo dài Việt Nam của bà vợ ông chủ Cty Patrick McGovern...

Thật thú vị thời điểm Cựu Thượng nghị sĩ già với bài diễn văn, biết nói như thế nào nhỉ, có lẽ tôi không bình phẩm này khác mà phải bóc nguyên xi ra đây cái băng ghi âm ghi giọng của ông già năm nay đã quá bát tuần nhưng còn vang và vượng lắm.

...Thưa ngài Phan Văn Khải - Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam.
Thưa ngài Vũ Khoan - Phó Thủ tướng và các quý vị thành viên trong đoàn. Thưa ngài Patrick McGovern, vị chủ nhà danh dự của buổi tối hôm nay, người cũng có cái họ McGovern tuyệt vời như tôi.

Đêm của người từng hứa dừng ngay cuộc chiến ở Việt Nam ảnh 2
Cựu Thượng nghị sỹ George McGovern

Tôi ao ước Patrick là con trai của tôi, nhưng tôi cũng rất hạnh phúc rằng chúng tôi là bạn bè tốt của nhau. Tại Massachusett cũng có một dân biểu Quốc hội có cái tên Jim McGovern. Anh ấy cũng chẳng phải là con trai tôi, nhưng cũng là một người bạn tốt, một dân biểu Quốc hội tuyệt vời và cũng là một người bạn của Việt Nam.

Thưa ngài Thủ tướng, khi tôi tham gia tranh cử chức Tổng thống vào năm 1972 với Ngài Tổng thống Richard Nixon, cương lĩnh của tôi là Tìm kiếm và nói sự thật. Tôi đã hứa là nếu được đắc cử, tôi sẽ ngay lập tức dừng cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Không may thay, tôi đã thua tại hầu hết các bang của toàn nước Mỹ, ngoại trừ quận Columbia và bang Massachusett. Vì thế, thưa Ngài Thủ tướng, Ngài đang ở thăm tiểu bang có những người bỏ phiếu thông minh nhất tại Mỹ đấy (cười rộ, vỗ tay). Buổi tối hôm nay, chúng tôi đón tiếp ngài Thủ tướng với tư cách là nhà lãnh đạo của một dân tộc thông minh, cần cù và sáng tạo.

Tôi rất hân hạnh rằng hai dân tộc chúng ta đã trở thành bạn bè cũng như là đối tác của nhau trong thương mại đầu tư và văn hóa. Hiện tại tôi không còn đảm nhận vị trí nào trong chính quyền ngoại trừ vị trí Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc về xóa đói toàn cầu. Tuy vậy, nếu tôi có thể đại diện cho Hợp chủng quốc Hoa kỳ, tôi thành tâm xin lỗi cho cuộc chiến tranh khủng khiếp mà chúng tôi đã gây ra ở Việt Nam, một cuộc phiêu lưu sai lầm và sai định hướng nhất trong hai thế kỷ gần đây của lịch sử Hoa Kỳ.

Trái tim tôi thắt lại khi nghĩ đến 58.000 thanh niên Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh đó. Chính sự đau đớn này đã thôi thúc tôi phải thốt lên tại Thượng viện rằng tôi thấy chán chường và mệt mỏi khi thế hệ trẻ phải chết trong những cuộc chiến tranh mà thế hệ già mộng tưởng! (im lặng một lúc).

Tôi đã là phi công lái máy bay ném bom trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tôi tự hào với công việc đó vì chúng ta ngăn chặn những thế lực bành trướng quân sự nguy hiểm như Hitler, Mussolini. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, lực lượng vũ trang Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ Chí Minh và Ông Võ Nguyên Giáp đã là đồng minh của chúng tôi.

Một số phi công Mỹ được Việt Minh giúp đỡ trở về với quân đội Mỹ khi máy bay của họ bị quân đội Nhật bắn rơi tại khu vực Đông Nam Á. Vào cuối Thế chiến thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy vọng rằng Việt Minh sẽ được Chính phủ Mỹ thừa nhận là chính phủ hợp pháp của Việt nam thay vì trở thành thuộc địa của Pháp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 8 lá thư cho ngài Tổng thống Truman đề nghị Chính phủ Mỹ hậu thuẫn cho nền độc lập của Việt Nam. Trong những lá thư đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại cuộc kháng chiến giành độc lập của Mỹ vào năm 1776. Trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây chú ý khi đã dùng một số ý trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, do Thomas Jefferson soạn thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thay đổi một ý so với bản tuyên ngôn của J. Jefferson: Chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều sinh ra bình đẳng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói rằng: Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng! Quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt! (vỗ tay kéo dài).

Những lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù được Tổng thống Truman và Dean Acheson đem ra thảo luận, đã không bao giờ được hồi âm. Và do vậy, Việt Nam đã tiến hành kháng chiến chống Pháp trong 8 năm và kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ rực rỡ.

Thật không may, sau khi người Pháp thất bại, người Mỹ đã quyết định can thiệp và phải sau một cuộc chiến tranh nữa, kéo dài trong 20 năm với sự mất mát của 58.000 thanh niên Mỹ và 2 triệu người Việt Nam, Mỹ mới phải chấm dứt và rời Việt Nam vào tháng 4/1975. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm 30 năm hòa bình giữa hai dân tộc 1975 - 2005. Cho phép tôi được mời nâng ly để cảm ơn và chúc mừng cho 30 năm chiến tranh đã được thay thế bằng 30 năm hoà bình (vỗ tay kéo dài).

Đi Mỹ, chuyện bây giờ mới kể : Kỳ 1

MỚI - NÓNG