Đề xuất xử lý hình sự DN trốn đóng BHXH

Đề xuất xử lý hình sự DN trốn đóng BHXH
TP - Trước tình trạng doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ); Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đã đề xuất Bộ Tư pháp sửa luật để xử lý hình sự.

> Người nghèo được giảm tiền đóng bảo hiểm
> Xử lý hình sự DN chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội

Nợ vượt mốc 1 vạn tỷ đồng

Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), nếu như đến hết năm 2012, số tiền nợ đọng BHXH suýt soát gần 6.000 tỷ đồng, thì hết quý I/2013, luỹ kế nợ BHXH đã lên tới 9.200 tỷ đồng.

Thậm chí, có lúc, nợ đọng BHXH đã tăng lên 10.400 tỷ đồng. BHXH Việt Nam cho hay danh sách doanh nghiệp nợ đọng BHXH tại các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện ngày một nhiều, bất chấp nỗ lực khởi kiện ra toà của BHXH các địa phương.

 “Mức phạt chậm đóng và lãi suất chậm đóng thấp, trong khi nếu vay bên ngoài, doanh nghiệp phải chịu lãi suất lên đến 15-20%/năm nên cố tình nợ BHXH để có vốn quay vòng”. 

Ông Liệu khẳng định: ngoài lý do khó khăn về kinh tế, rất nhiều “chúa chổm” cố tình chây ỳ không chịu nộp BHXH cho NLĐ vì mức xử phạt hiện nay quá thấp. Quy định mức phạt cao nhất (chậm đóng BHXH) là 30 triệu đồng và lãi suất chậm đóng là 11% (thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền vay của ngân hàng) nên nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không chịu đóng. Hơn nữa, với quy định hiện hành, doanh nghiệp nợ đọng 2 tỷ đồng và doanh nghiệp nợ đọng 100 tỷ đồng cùng chịu mức xử phạt là 30 triệu đồng. “Doanh nghiệp nợ ít đánh đồng với doanh nghiệp nợ nhiều là rất phi lý. Không những thế doanh nghiệp nợ thuế bị xử lý hình sự, còn nợ tiền bảo hiểm của NLĐ chỉ bị phạt 30 triệu đồng lại càng vô lý hơn” - ông Liệu nói.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương- Phó TGĐ BHXH Việt Nam phân tích: hiện có tới trên 50% đơn vị BHXH các địa phương đang trong tình trạng có tỷ lệ nợ đọng cao hơn mức bình quân cả nước.

Vì số nợ quá lớn nên Quỹ BHXH đang rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi. “Nếu như trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức thu bảo hiểm chỉ đạt 15.988 tỷ đồng thì tổng số chi lên đến hơn 23.866 tỷ đồng, mất cân đối gần 7.900 tỷ đồng” - bà Phương nói.

Cũng theo bà Phương, thậm chí, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, có lợi nhuận, nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không nộp bảo hiểm hoặc vẫn khấu trừ tiền bảo hiểm vào lương hàng tháng của NLĐ, không nộp cho cơ quan BHXH.

“Sự việc chỉ bị phát hiện khi rất nhiều NLĐ đi làm các thủ tục hưởng bảo hiểm, nhưng bị sốc vì biết doanh nghiệp chưa nộp” - bà Phương chỉ ra.

Cần xử lý hình sự

Trước vấn nạn nợ đọng BHXH gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn NLĐ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, ngay từ năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản kiểm tra các doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn, đồng thời yêu cầu các địa phương đôn đốc để chủ doanh nghiệp phải đóng.

Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Bộ trưởng Chuyền thừa nhận, nguyên nhân nợ đọng bảo hiểm xuất phát từ chính sách nên thời gian tới cần phải đề xuất sửa đổi.

“Mức phạt chậm đóng và lãi suất chậm đóng thấp, trong khi nếu vay bên ngoài, doanh nghiệp phải chịu lãi suất lên đến 15-20%/năm nên cố tình nợ BHXH để có vốn quay vòng” - Bộ trưởng Chuyền nói. Cũng theo Bộ trưởng Chuyền, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà NLĐ đã đóng (nhưng doanh nghiệp chưa nộp cho BHXH) theo hướng hình sự hóa.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã yêu cầu trong quá trình xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu về tội danh trốn đóng BHXH và xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm pháp luật BHXH.

Đến hết tháng 2/2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, BHYT lên tới gần 10.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng và nợ BHYT hơn 2.600 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG