Đề xuất TPHCM thực hiện mô hình Thị trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại hội thảo khoa học "Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM" do Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức ngày 14/12, nhiều ý kiến đề xuất mô hình, cơ chế chính sách trong việc thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM.

Trao đổi tại hội thảo, ông Lê Minh Đức, Phó ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TPHCM cho rằng, thành tựu khi tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM trong một năm rưỡi vừa qua là đã sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị; tổ chức chính quyền đô thị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc; cùng với đó hệ thống chính quyền đã đảm bảo giải quyết các chế độ, chính sách cho người dân khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Tuy nhiên, ông Đức cũng nhìn nhận việc thực hiện còn gặp khó trong công tác tiếp nhận cán bộ, công chức; bất cập về thể thức văn bản, thẩm quyền chủ tịch, phó chủ tịch trong ký kết các nghị định, khiếu nại của dân liên quan đến quy hoạch; rồi tình hình tăng quy mô dân số ở một số địa phương…

Đề xuất TPHCM thực hiện mô hình Thị trưởng ảnh 1

Ông Lê Minh Đức trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Bảo Phương.

Thành phố Thủ Đức được xem là siêu đô thị nhưng bộ máy hành chính thì tương đương quận, dân số tương đương tỉnh Quảng Ninh”, ông Đức dẫn chứng một trong những khó khăn và cho rằng để giải quyết những vấn đề cho dân cần có nguồn lực tương xứng.

Theo ông, việc sáp nhập thành địa phương mới hiện nay chỉ là khoác lên chiếc áo mới chứ bên trong chưa thay đổi được nhiều; mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền đô thị còn một bộ phận phục vụ nhân dân theo tư tưởng “người dân đi kiếm cán bộ chứ không phải người dân là khách hàng mà cán bộ phải đi kiếm”.

TS. Trần Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM đề xuất UBND TPHCM nên tổ chức chính quyền đô thị theo mô hình thị trưởng và trụ sở cơ quan này sẽ là Toà thị chính. Cùng với đó, Thị trưởng là người đứng đầu và có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc.

TS. Hà cho rằng mô hình này khả thi với TPHCM bởi hiện nay UBND thành phố và các cấp thực tế không hoạt động thuần tuý theo chế độ tập thể lãnh đạo, vẫn còn đáng kể vai trò điều hành của cá nhân người đứng đầu.

Trước đó, Bộ Nội vụ cũng đề nghị nghiên cứu mô hình Tòa thị chính, thị trưởng ở đô thị phù hợp với đặc thù Việt Nam.

“Chiếc áo” cơ chế pháp lý quá chật

ThS. Phạm Thị Phương Thảo (Trường Đại học Luật TPHCM), nhìn nhận việc kiểm soát tốt quyền lực nhà nước của chính quyền đô thị tại TPHCM không những giúp Trung ương quản lý hiệu quả chính quyền đô thị tại thành phố lớn nhất nước mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ công, đảm bảo quyền lợi của người dân và tránh được sự lạm dụng quyền hạn.

Tuy nhiên, cũng theo ThS. Phương Thảo, Trung ương đã thiết lập khung quyền lực nhà nước cho chính quyền đô thị tại TPHCM không đồng bộ, thống nhất, toàn diện. Do đó đã dẫn đến sự lúng túng khi thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đề xuất TPHCM thực hiện mô hình Thị trưởng ảnh 2

ThS. Phương Thảo phát biểu tại hội thảo.

Tương tự, việc thiết lập khung quyền lực nhà nước cho chính quyền đô thị tại TPHCM theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng khi thực hiện, nhiều nội dung mới chỉ dừng lại ở quy định chung, không có hướng dẫn thi hành. “Do đó, tôi cho rằng cần hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức quyền lực nhà nước của chính quyền đô thị tại TPHCM”, ThS. Phạm Thị Phương Thảo kiến nghị.

Trong khi đó, TS. Diệp Văn Sơn cho rằng, để phát huy tối đa các cơ chế vượt trội, đặc thù của mình thì TPHCM phải có đội ngũ cán bộ, công chức xứng tầm. Theo đó, cần có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 nhằm tạo điều kiện có một đội ngũ cán bộ công chức đủ tầm quản lý chính quyền đô thị. Bên cạnh đó cũng cần tăng thêm thu nhập và khen thưởng có giá trị hơn nhằm khuyến khích cán bộ công chức đóng góp tích cực cho thành phố.

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhìn nhận, TPHCM là trung tâm có trình độ phát triển cao nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội lớn với một số quận, huyện có quy mô kinh tế, dân số bằng hoặc lớn hơn một tỉnh ở nước ta. Dẫu vậy, “chiếc áo” cơ chế pháp lý mà TPHCM đang “mặc” lại giống như 62 địa phương trên cả nước là điều bất hợp lý.

MỚI - NÓNG