ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng:

Đề xuất thuế nhà đất từ 700 triệu là thiếu cơ sở thực tiễn

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: P.V.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: P.V.
TP - “Tôi không bàn đến tài sản nhà đất đó giá 700 triệu, hay 7 tỷ, bởi tất cả những con số đó đều là võ đoán. Nhưng có thể nói, lý giải của ban soạn thảo không đi vào lòng dân, không làm rõ được các cơ sở lý luận, cơ sở kinh tế, xã hội về các nội dung đó”, đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Trước tiên cần phải xác định, thuế là một nguồn thu rất quan trọng, tuy nhiên đánh thuế như thế nào thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Về mặt chính trị, phải thể hiện đúng quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước về những vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển đời sống nhân dân. Bởi dân có cường thì nước mới mạnh. Còn về mặt pháp luật, phải trên cơ sở chính sách, nghị quyết của Quốc hội.

“Để thuyết phục được Quốc hội, dự thảo dự án này phải lý giải được những vấn đề khoa học, kinh tế xã hội và đặc biệt phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Quốc hội sẽ không quyết định nếu không tạo được sự đồng thuận và đi trái với xu thế của xã hội”. 

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Đánh thuế tài sản nhà đất có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên mới chỉ là đề xuất, và Quốc hội sẽ xem xét có quyết định hay không. Để thuyết phục được Quốc hội, dự thảo dự án này phải lý giải được những vấn đề khoa học, kinh tế xã hội và đặc biệt phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Quốc hội sẽ không quyết định nếu không tạo được sự đồng thuận và đi trái với xu thế của xã hội.

Tôi không bàn đến tài sản nhà đất đó giá 700 triệu, hay 7 tỷ, bởi tất cả những con số đó đều là võ đoán. Nhưng có thể nói, lý giải của ban soạn thảo không đi vào lòng dân, không làm rõ được các cơ sở lý luận, cơ sở kinh tế, xã hội về các nội dung đó.

Hiện vấn đề căng thẳng nhất hiện nay là: Để có một căn nhà 700 triệu đồng trở lên, chúng ta thử tính xem nó đã được cấu thành bởi bao nhiêu loại thuế, phí rồi? Từ vật liệu xây dựng là xi măng, sắt, thép, gạch đá, rồi đến công lao động, khâu vận chuyển… tất cả đều đã phải gánh chịu thuế hết rồi.

Nghĩa là, để hình thành nên ngôi nhà ấy, đã bao gồm rất nhiều loại thuế, phí. Vậy tại sao lại phải gộp thêm thứ thuế này thu theo hàng năm nữa? Cơ sở nào để loại thuế nhà này chụp lên các loại thuế khác, trong khi đó chúng ta luôn tránh đánh thuế hai lần, tránh gây thiệt hại cho người dân?

Không nên tận thu

Với các thứ thuế có liên quan, chẳng hạn với mỗi lần chuyển nhượng tài sản, tôi đồng tình phải đánh thuế. Vì nhà nước là người bảo trợ cho các giao dịch dân sự, thì anh phải nộp tiền cho nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước không nên quá tận thu, đặt ra những thứ thuế tưởng có lý nhưng lại là vô lý. Chi bằng, bây giờ phải tạo ra cơ sở hạ tầng xã hội và chúng ta thu thuế ở những giá trị mới, ở những giá trị gia tăng thì mới là cao thủ. Còn bây giờ, cứ “thu thuế như vặt lông vịt”, có mà chết.

Với người có nhà cho thuê, hay kinh doanh đã phải chịu các loại thuế khác rồi. Còn với nhà ở tại sao lại thu? Việc đánh thuế nhà như vậy, chẳng khác nào người dân lại thuê nhà của chính họ? Người dân phải trả tiền cho nhà nước để thuê nhà của chính mình hay sao? Cơ quan đề xuất lý giải như thế nào về câu chuyện này? Chỉ có cách lý giải, đây là một kiểu tận thu mà thôi chứ không có cơ sở gì cả.

MỚI - NÓNG