Đề xuất nhường đất “vàng” cho văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất biến khu nhà máy công nghiệp cũ thành không gian văn hóa sáng tạo Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
Đề xuất biến khu nhà máy công nghiệp cũ thành không gian văn hóa sáng tạo Ảnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
TP - Góp ý cho chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, một số chuyên gia nhắc tới câu chuyện Hà Nội cần “hi sinh” một số mảnh đất “vàng” cho phát triển không gian văn hóa, không gian sáng tạo.

Xác định thế mạnh

Tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp diễn ra sáng 18/6 tiếp tục thu nhặt nhiều góp ý hữu ích cho Hà Nội. Cuộc lấy ý kiến lần đầu hôm 10/6 gợi ra vấn đề công nghiệp văn hóa, lần này các chuyên gia trong nước và quốc tế chỉ ra đầu việc và giải pháp cụ thể hơn.

Đề xuất nhường đất “vàng” cho văn hóa ảnh 1

Không gian công cộng hình thành từ bãi rác, từ những khu vực xập xệ Ảnh: KỲ SƠN

Chủ trì tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế, được du khách trong nước và quốc tế quan tâm. Tuy nhiên đứng trước bài toán phát triển công nghiệp văn hóa với 12 lĩnh vực, Hà Nội không thể cùng lúc tập trung cho các lĩnh vực mà chia thành các giai đoạn. “Mong 5-10 năm tới, các chuyên gia và doanh nghiệp tư vấn lựa chọn lĩnh vực phù hợp tiềm năng có thể phát triển ngay được”, ông Phong nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nêu ra, Hà Nội có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào nhưng nguồn vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp: “Hà Nội chưa thực sự lôi cuốn hấp dẫn thị trường. Hà Nội đang định vị thương hiệu nhưng chưa thực sự là thương hiệu mạnh”. Hà Nội cần đổi mới cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực này, tạo sự đồng bộ giữa các cơ quan, giữa khối công-tư. Bà Phương nêu loạt giải pháp trong đó nhấn mạnh giải pháp hình thành hệ sinh thái nuôi dưỡng giới trẻ có khát vọng cống hiến. Hà Nội muốn phát triển nghệ thuật biểu diễn, vì thế đừng để nghệ sĩ giỏi sống trong cơ sở xập xệ.

Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa- TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định. Đó là nhờ kho tàng di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng. Hà Nội tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Lịch sử cho thấy Hà Nội là vùng đất hội nhập, hội tụ các giá trị văn hóa, hiện nay bước đầu có cơ chế chính sách khuyến khích sáng tạo văn hóa. “Tuy nhiên, Hà Nội chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa. Các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo xứng tầm vị thế Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế”, TS Minh Lý phân tích.

Bài học quốc tế

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội kể, cơ quan này phối hợp các đối tác khác và UBND TP Hà Nội phát triển dự án Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên cho Thủ đô sáng tạo Hà Nội với khẩu hiệu “Rethink (Nghĩ khác) Hà Nội ”. “Sáng kiến giúp Hà Nội khai thác tài nguyên hiện có trong bối cảnh hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng sức mạnh tổng hợp trong số rất nhiều dự án hiện có để hỗ trợ những nỗ lực của Hà Nội thực hiện cam kết của mình là một Thành phố Sáng tạo - được nhắc tới trong các nghị quyết của thành phố về phát triển Các ngành công nghiệp Văn hóa trong thập kỷ tới với tầm nhìn đến năm 2045”, ông Michael Croft nói.

Từ kinh nghiệm của vùng Ile-de-France (Pháp) có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu châu Âu, ông Emanuel Cerise, Trưởng đại diện chương trình hợp tác giữa vùng Ile-de-France và thành phố Hà Nội kiến nghị phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội với mô hình mà Paris từng thành công. “Hà Nội giống Paris ở chỗ không chỉ có thế mạnh ở nội đô, mà còn có khu vực ngoại ô giàu tiềm năng, có nhiều di sản văn hóa truyền thống hấp dẫn. Hà Nội nên thúc đẩy khách du lịch không chỉ tập trung tới nội đô mà cần mở rộng ra xung quanh tạo thành vùng thủ đô, như khu vực sông Hồng. Con sông này là dòng chảy văn hóa, kết nối công nghiệp văn hóa với các ngành công nghiệp khác. Phố đi bộ Hoàn Kiếm là sáng kiến quan trọng của Hà Nội, cần phát triển nhiều tuyến phố tương tự”, ông Emanuel Cerise nói.

Ông Lê Quang Bình và một nhóm nghiên cứu nêu sáng kiến biến các nhà máy cũ tại Hà Nội thành các không gian văn hóa sáng tạo. Hà Nội có tới 92 nhà máy thuộc diện phải di dời khỏi nội thành, tính tới hết 2019. Nhóm khảo sát sâu 10 nhà máy trong đó có những cái tên như nhà máy Bia Hà Nội, Xe lửa Gia Lâm, Thuốc lá Thăng Long, Cao su Sao vàng. Cuộc khảo sát này cho thấy những giá trị kiến trúc của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội, cũng như dấu ấn về ký ức và hình ảnh đô thị Hà Nội. Ông Bình dẫn chứng xu hướng chuyển đổi cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa sáng tạo thành công trên thế giới: khu văn hóa nghệ thuật 798 Art zone (Bắc Kinh), Công viên văn hóa đa năng Zeche Zollverein ở Đức, hay Trung tâm Nghệ thuật sáng tạo lưu trú nghệ sĩ Treasure Hill ở Đài Loan.

“Một số vấn đề cấp bách cần giải quyết để Hà Nội là thành phố đáng sống và có sức cạnh tranh, đó là: ô nhiễm môi trường không khí trầm trọng, thiếu trầm trọng các không gian cây xanh, mặt nước, không gian công cộng, không gian vui chơi giải trí. Gần như không có không gian cho các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp về văn hóa, nghệ thuật, nơi nghệ sĩ tiếp cận xã hội và ngược lại. Chính vì thế, các nhà máy cũ là cơ hội để chuyển đổi thành không gian văn hóa, sáng tạo cùng lúc giải quyết được tất cả các vấn đề và nội dung nêu trên”, ông Bình nêu. Ông nửa đùa nửa thật nhóm thực hiện khảo sát này đang “mơ giữa ban ngày, bởi đây đều là những mảnh đất vàng”. Tuy nhiên Hà Nội hoàn toàn có thể biến điều này thành hiện thực nếu chịu nhường đất “vàng” cho văn hóa thay vì lựa chọn các tòa cao ốc.

Ông Antonion Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam đánh giá Hà Nội là thành phố tuyệt vời, không giống bất kỳ thành phố nào khác ở Đông Nam Á, sở hữu nền tảng văn hóa lâu đời và có danh tiếng trên thế giới. Ông cho rằng Hà Nội muốn phát triển không thể không hợp tác quốc tế, cần tổ chức nhiều sự kiện lớn tầm quốc tế hơn nữa. Italia với thế mạnh bảo tồn di sản văn hóa sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Hà Nội trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.