Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị cho phép nhập 50.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam trong năm 2015 với thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0%. Sau khi nhận văn bản của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị một số bộ ngành liên quan cho ý kiến trình Thủ tướng xem xét quyết định. Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có công văn trình Thủ tướng, kiến nghị “tạm thời chưa cho nhập lượng đường này để xem xét các yếu tố ảnh hưởng, liên quan đến thời điểm, cơ chế, chính sách…”.
Theo VSSA, trong ba niên vụ ép liên tiếp gần đây, sản lượng đường sản xuất trong nước đạt 1,5-1,6 triệu tấn/vụ. Nếu kể cả các nguồn cung đường khác (tồn kho vụ cũ chuyển sang và nhập khẩu chính thức), riêng vụ ép 2014-2015 dự báo sản lượng đạt 2 triệu tấn, chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường lậu. Như vậy, lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn. Đây là nguyên nhân làm giá đường liên tục giảm, kéo theo giá mía giảm sâu, dẫn đến tình trạng nông dân thua lỗ và phá bỏ mía, chuyển sang các đối tượng sản xuất khác bấp bênh và rủi ro hiện nay.
Theo VSSA, vụ sản xuất đường đang giai đoạn cao điểm, nên nếu cho phép nhập 50.000 tấn đường, ngành mía đường trong nước sẽ rối rắm, phức tạp thêm. VSSA kiến nghị Thủ tướng không áp dụng mức thuế 0%. Nếu cho nhập lượng đường trên, cần được tính trong hạn ngạch thuế quan (81.000 tấn trong năm 2015) mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO. Thời điểm nhập cũng chỉ nên từ tháng 8/2015 trở đi, khi cơ bản đã kết thúc vụ ép mía trong nước.
Bộ NN&PTNT: Nên áp thuế 5%
Trong khi đó, trong công văn trả lời Văn phòng Chính phủ về vấn đề trên, Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu cho phép nhập từ Lào 50.000 tấn, nên ưu tiên đưa số này trong hạn ngạch 81.000 tấn của năm 2015 và phải chịu thuế 5%. Về mức thuế nhập khẩu 0%, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét, thẩm định, nhằm đảm bảo sự thống nhất, hài hòa với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết.
“Với chiến lược mía đường và vùng nguyên liệu thiếu ổn định như hiện nay, còn lâu nữa giá thành đường trong nước mới giảm được, cũng như rất lâu nữa, nông dân mới được hưởng “quả ngọt” của chính mình”.
Một quan chức Bộ Công Thương
Thực tế, trong văn bản kiến nghị trên của Bộ Công Thương, không nhắc đến đơn vị, xuất nhập cụ thể. Tuy nhiên, thông tin về việc nhập đường từ Lào xôn xao từ năm 2014. Khi đó, Thủ tướng cho phép Cty CP Đường Biên Hòa được nhập khẩu 30.000 tấn đường thô của Cty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào), thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, để tinh luyện, xuất khẩu. Thủ tướng cũng yêu cầu, toàn bộ 30.000 tấn đường trên chỉ được nhập khẩu, sản xuất, gia công và bán qua biên giới, không được để thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Tuy nhiên, theo VSSA, dù được phép, nhưng thương vụ 30.000 tấn trên gần như không thực hiện được “vì nhiều lý do”. Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành đường cho rằng, nếu giá thành sản xuất đường của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào thấp hơn nhiều so với trong nước, sao họ không xuất thẳng sang Trung Quốc hoặc nhiều thị trường khác?
Cân đối lợi ích các bên
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng, việc các DN đề xuất nhập hay không nhập đường với thuế suất 0%, phải đặt lên “bàn cân” gồm lợi ích của hàng chục triệu người tiêu dùng, hàng triệu nông dân trồng mía và các nhà máy sản xuất, chế biến đường. Về nguyên tắc, phải ưu tiên cho quyền lợi số đông của hàng chục triệu người tiêu dùng (gồm các DN sử dụng đường để chế biến sản phẩm khác).
Việc VSSA phản đối việc cho nhập khẩu đường giá rẻ, theo ông Xuân, cần lật lại, xem nhiều năm qua, Hiệp hội đã làm được gì cho nông dân hay chăm lo tạo vùng nguyên liệu ra sao. Mỗi khi mía mất mùa hay giá đường xuống thấp, các DN trong Hiệp hội có hỗ trợ mua giá tốt cho nông dân không. Bởi, khi giá mía xuống thấp, có cảnh phá bỏ mía ở các địa phương. “Các DN kinh doanh nông sản nói chung và mía nói riêng, có lúc lỗ, lúc lãi nhiều, lãi ít. Nhưng vấn đề phải thiết lập quan hệ chung thủy với nông dân, chứ kinh doanh kiểu “nhát một” trong thị trường đường hiện nay thì rất khó phát triển”, ông Xuân nói.
Một quan chức Bộ Công Thương cho biết, quan điểm của Bộ là phải giữ cho giá cả trong nước bình ổn, hài hòa lợi ích của các bên. Các ông nhà máy luôn muốn đường rẻ, đưa vào kho để làm nhiều chuyện khác, trong khi thị trường cần bán ngay để tạo áp lực giảm giá. Vì vậy, việc ai được phân giao hạn ngạch nhập đường mới là quan trọng.
“Cách đây vài năm, điều khó chấp nhận khi giá đường trong nước bị đẩy lên cao chót vót (hơn rất nhiều giá thế giới), nguồn cung không có, các DN phải van xin nhà máy bán đường, còn người dân phải mua đường trong siêu thị theo suất. Vấn đề không nên nhân danh người trồng mía để đòi những yêu sách có lợi cho chính mình, tạo khó cho điều hành, trong khi chưa chứng minh vai trò và hiệu quả của Hiệp hội trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất đường”, vị quan chức nói.
Post by Báo Tiền Phong.