Tái ô nhiễm
Từ đêm 8/12, ghi nhận của hệ thống quan trắc thuộc Tổng cục Môi trường, Đại sứ quán Mỹ và PAMAir cho thấy, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ô nhiễm cao vào ban đêm và buổi sáng với chỉ số chất lượng không khí AQI giờ ở ngưỡng đỏ (AQI từ 150-200) và ngưỡng tím (AQI trên 200).
Tổng cục Môi trường vừa ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số ô nhiễm không khí mới của Việt Nam. Theo đó, chỉ số chất lượng không khí chia làm 6 nhóm, tương ứng với 6 màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, giống với cách phân loại AQI của Mỹ. Chỉ số AQI ở ngưỡng đỏ thuộc nhóm có hại cho sức khỏe, ngưỡng tím thuộc nhóm rất có hại cho sức khỏe.
Đáng lưu ý, theo ghi nhận của PAMAir, nhiều điểm ở Nam Định, Hưng Yên, chỉ số AQI cao hơn thủ đô Hà Nội. Hầu hết các điểm đo còn lại ở Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình đều ở ngưỡng đỏ trong sáng qua.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hình thái thời tiết rét sâu vào ban đêm, ngày nắng hanh, độ ẩm thấp, gió lặng như hiện nay còn tiếp tục duy trì đến hết ngày 13/12 khiến không khí tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng vào đêm và sáng.
Ngưỡng tím nên ở nhà
“Ở nhà ngày ô nhiễm” là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch “Không khí sạch, Bầu trời xanh” do CHANGE thực hiện xuyên suốt năm 2019. Chiến dịch mong muốn thúc đẩy những cuộc thảo luận mạnh mẽ trên mạng xã hội, hướng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân trong những ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức báo động tím (201-300). Theo cách phân loại mới của Việt Nam không khí lên ngưỡng tím, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài.
TS. Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh cho rằng, đây là giải pháp cần thiết, tuy nhiên phải cân nhắc đến điều kiện công việc của từng người.
Chị Vũ Bích Ngọc, làm việc tại khu công nghệ cao Cầu Giấy chia sẻ: Ngoài những cuộc họp phòng ít khi diễn ra, việc trao đổi với đồng nghiệp chủ yếu trên online. Vì vậy, những ngày ô nhiễm, doanh nghiệp nên cân nhắc cho nhân viên làm việc ở nhà theo hình thức không bắt buộc, vừa hạn chế tác động của ô nhiễm đến sức khỏe, vừa hạn chế nguồn phát thải từ xe cơ giới ra môi trường.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay, một số thành phố trên thế giới thường áp dụng các giải pháp như thông báo khẩn và đề nghị mọi người theo dõi thường xuyên, thông báo nghỉ học đối với một số trường học ở vùng ô nhiễm cao, hạn chế các tiết học ngoài trời ở vùng ô nhiễm ít hơn; Đình chỉ một số cơ sở sản xuất và công trình xây dựng trong ít ngày, phạt nặng và công khai tên những người đốt rác, đốt rơm rạ. Hà Nội có thể tham khảo và cân nhắc.
Bên cạnh đó, các giải pháp tổng thể, lâu dài liên quan đến giao thông, xây dựng, dân sinh và các hoạt động công nghiệp phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
Theo cách phân loại mới của Việt Nam không khí lên ngưỡng tím, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài.
TS. Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh cho rằng, đây là giải pháp cần thiết, tuy nhiên phải cân nhắc đến điều kiện công việc của từng người.