Đề xuất đưa Cung Thiếu nhi Hà Nội vào danh mục kiến trúc cần bảo tồn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giữa tháng 3 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức Lễ động thổ xây dựng Cung Thiếu nhi mới tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Điều này khiến dư luận không khỏi lo lắng về số phận khu đất Cung Thiếu nhi cũ ngay sát hồ Gươm.

Theo kế hoạch đề ra, Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại Khu đô thị Cầu Giấy có tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng và dự kiến được hoàn thành vào năm 2024.

Dự án được thực hiện trên diện tích là 39.631m2, trong đó, diện tích xây dựng 10.280m2, với các hạng mục như: nhà hát khoảng 800 chỗ; rạp chiếu phim 3D-4D 200 chỗ; nhà thi đấu khoảng 500 chỗ - bể bơi 10 làn bơi; nhà học và thư viện; tháp thiên văn và khối hành chính - văn phòng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch xây dựng đã được duyệt…

Bên cạnh niềm vui đón chờ một công trình mới, dư luận quan tâm đến tương lai của Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện tại cùng khu đất vàng 8.100m2 ngay sát hồ Gươm.

Đề xuất đưa Cung Thiếu nhi Hà Nội vào danh mục kiến trúc cần bảo tồn ảnh 1

Rạp Khăn Quàng Đỏ bên trong Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàng

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện tại vẫn chưa nhận được thông tin mới về kế hoạch sử dụng khu đất này. Như vậy, Cung Thiếu nhi Hà Nội tại quận Hoàn Kiếm vẫn tiếp tục phục vụ các cháu thiếu nhi đến học tập, vui chơi ít nhất từ nay đến năm 2024 khi Cung Thiếu nhi mới tại Cầu Giấy hoàn thành.

Đối với một số ý kiến về việc có hay không Cung Thiếu nhi với vị trí đắt giá sẽ bị biến thành cao ốc? Theo các chuyên gia, quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đã chỉ rõ khu vực đất tại Cung Thiếu nhi cũ là đất có chức năng xây dựng cơ sở văn hóa, sinh hoạt cộng đồng nên không có chuyện chuyển đổi sang khách sạn hay dịch vụ.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm, trong bối cảnh quỹ đất dành cho không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp thì việc để quỹ đất Cung Thiếu nhi cũ cho cộng đồng càng cần thiết, không thể chuyển đổi sang mục đích khác.

Kiến trúc cần được bảo tồn

Chia sẻ trên tạp chí chuyên về kiến trúc, PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, đại diện Docomomo Vietnam (nhóm nghiên cứu và bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam) thông tin: Cũng như Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Nhà hát lớn, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng là một thiết chế văn hoá quan trọng. Cung Thiếu nhi là đại diện của thời kỳ hiện đại Việt Nam, giai đoạn độc lập, kiến thiết quốc gia và tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Với một ngôn ngữ kiến trúc hoàn toàn khác biệt.

KTS Phạm Thúy Loan cho biết: “Chúng tôi sẽ sớm gửi lên Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch Thành phố, UBND thành phố Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Vụ Quy Hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng Bản trình bày các giá trị cùng các hồ sơ lịch sử về cung Thiếu nhi Hà Nội cũ và đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành các thủ tục ghi danh công trình này vào danh mục ‘Kiến trúc có giá trị đặc biệt’ (theo Luật Kiến trúc) để có một kế hoạch bảo tồn cụ thể, có hiệu lực thực sự. Chúng tôi cũng sẽ gửi thông tin về Cung Thiếu nhi Hà Nội lên tổ chức Docomomo Internetational, đề nghị đưa cung vào danh mục ‘Heritage in danger’ để các chuyên gia và đại diện của các tổ chức quốc tế sẽ có ý kiến với chính quyền và các cấp quản lý của Hà Nội cần có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ công trình kiến trúc hiện đại có giá trị này". 

MỚI - NÓNG
Luật Điện lực sửa đổi 'giải vây' cho nhiều dự án năng lượng tái tạo?
Luật Điện lực sửa đổi 'giải vây' cho nhiều dự án năng lượng tái tạo?
TPO - Với việc có nhiều quy định mới liên quan đến năng lượng tái tạo, chuyên gia đánh giá Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết thế bế tắc của các dự án sau thời gian dài im ắng, góp phần giải cơn "khát" điện trong bối cảnh nhu cầu điện phục vụ phát triển kinh tế giai đoạn tới rất lớn.