Đề xuất đến Bộ trưởng Giáo dục: Những gì đang cản trở 'học thật'?

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất đến Bộ trưởng Giáo dục: Những gì đang cản trở 'học thật'?
TPO - Vừa qua, tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu, học thật, thi thật, nhân tài thật đối với ngành giáo dục. Trong chương trình hành động ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra giải pháp để đạt được điều này. PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ ra những vấn đề đang cản trở học thật trong giáo dục.

Lực cản từ con người

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ “học thật” đáng ra là một sự tất yếu. Bởi học là nhu cầu tự thân của con người, với mục đích để nâng cao hiểu biết, trau dồi kĩ năng, … để hoàn thiện bản thân và có được những thành quả tốt đẹp trong cuộc sống, nên đương nhiên đã học thì phải thật!

Nhưng trên thực tế, người ta cảm nhận sự học không thật, đó là vì sao?

PGS. Chủ Cẩm Thơ cho rằng thử đứng ở góc nhìn “điều kiện đảm bảo việc học”, sẽ thấy nếu không đủ điều kiện cho việc học diễn có thể chất lượng không được đảm bảo; có thể “việc học thật” sẽ không được diễn ra.

Đề xuất đến Bộ trưởng Giáo dục: Những gì đang cản trở 'học thật'? ảnh 1

PGS.TS Chu Cẩm Thơ. Ảnh NVCC

Điều kiện tối thiểu của quá trình dạy và học dưới quan điểm của PGS. Chu Cẩm Thơ đó là giáo viên, học sinh và chương trình học.

Về giáo viên, hay chính là người dạy có thể có đầy đủ bằng cấp. “Nhưng những đợt tập huấn giáo viên và khảo sát trực tiếp tại nhà trường cho chúng tôi thấy rằng, thực lực giảng dạy của nhiều giáo viên còn “tụt lại” so với yêu cầu học thật của thực tiễn. Mặt bằng các giáo viên đang không đồng đều. Chính vì vậy, học sinh không có cơ hội học tốt (như nhau), chỉ như vậy thôi đã thấy “học thật” không dễ dàng được thực hiện”, PGS Thơ nhấn mạnh.

Về chương trình học, ai cũng mong muốn rằng “chương trình học phải phù hợp với năng lực, nhu cầu của học sinh” nhưng thực tế, điều này còn rất xa vời. Có rất nhiều nguyên nhân được PGS. Chu Cẩm Thơ chỉ ra. Đó là vì trường học chưa đủ năng lực tự thiết kế chương trình của mình; vì “quyền lực” quản lí chưa muốn phân cấp hay nỗi lo sợ rằng “chưa đủ năng lực thực hiện”, hoặc ngay cả xã hội còn nhiều “ý kiến trái chiều”, nên “đồng phục” để “đảm bảo quyền học như nhau”, tức là công bằng THẬT là “được hưởng giống nhau” hay “được cơ hội hưởng những điều tốt đẹp ngang nhau”.

Về người học, PGS. Chu Cẩm Thơ đặt câu hỏi bao nhiêu “có mục đích học tập”, tự học, có phương pháp học tốt? Một kết quả mới được công bố đã chỉ ra rằng “đa số học sinh THPT theo học khối KHXH”, nhưng rất khó lí giải vì sao. Có thể rất đơn giản, vì thi môn xã hội ít nguy cơ bị điểm liệt, học thuộc vẫn dễ hơn học phải “nghĩ’!

Lực cản từ cơ sở vật chất

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất để có thể học thật cũng được PGS. Chu Cẩm Thơ bàn đến.

Theo bà, ở đô thị, sĩ số lớp học rất đông, vượt xa tiêu chuẩn quy định vẫn còn tồn tại phổ biến, rất chậm khắc phục. Một giáo viên phải làm việc với số lượng học sinh gấp 1,5 lần có nơi gần 2,0 lần số lượng chuẩn thì chắc chắn giáo viên đó phải chọn cách dạy thế nào, chỉ để đảm bảo “thành tích”, đạt chỉ tiêu, rất khó có thể thực hiện được những mục tiêu giáo dục khác.

“Theo thống kê của chúng tôi, chuyện thừa – thiếu giáo viên cục bộ vẫn phổ biến. Chẳng hạn, mới đây, tôi đến một trường tiểu học. Trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng ở một điểm trường, lại thiếu giáo viên dạy tin học, không có bảo vệ nên Phòng máy bị mất cắp đồ, máy tính không có, …. Vậy là Học sinh không được học môn Tin học là thật”, PGS. Chu Cẩm Thơ lấy ví dụ.

Một thực tế nữa đang tồn tại là học sinh có được học tất cả các môn nhưng không được học đầy đủ là có thật. Vì trường thiếu thiết bị thí nghiệm, thiếu không gian thực hành, … và thiếu cả động lực thực hành thí nghiệm (do ưu tiên dành thời gian luyện đề để đi thi được điểm cao).

Trường học không có đủ sân chơi, nhà thi đấu, … nên học sinh không được rèn luyện thể dục, thể thao một cách THẬT chất. PGS. Chu Cẩm Thơ cho biết Giám đốc một Sở GD&ĐT đã bày tỏ trăn trở rằng, cứ thế này thì làm sao học sinh phát triển hài hòa “tâm, thể, trí” vì các em chỉ mải miết học thi, thầy cô mải mê dạy để thi.

Cũng theo PGS. Chu Cẩm Thơ, còn nhiều điều có thể nhận ra khi nhìn nhận thấu đáo về các điều kiện đang ảnh hưởng đến HỌC THẬT. Chẳng hạn đó là trách nhiệm của gia đình, của xã hội, của mỗi người. Thậm chí, ngay cả suy nghĩ, hành động không cố ý của mỗi cá nhân cũng có thể khiến hiểu không đúng về Học Thật.

“Học thật” không chỉ là sự trung thực, mà còn bao hàm những điều kiện cần để việc HỌC được diễn ra với đầy đủ nội hàm của nó. Rất tiếc, biết vậy, nhưng nhiều nơi, chuyện “thiếu điều kiện” vẫn xảy ra, và người ta mặc nhiên nghĩ rằng đó là bình thường”, PGS. Chu Cẩm Thơ giãi bày.

* Kính mời bạn đọc góp ý, hiến kế, nêu các ý tưởng đề xuất về cải cách giáo dục, những tâm tư gửi gắm đến Tân Bộ trưởng Giáo dục với mong muốn đổi mới, thúc đẩy sự phát triển cho ngành giáo dục nước nhà. Mọi thông tin xin gửi về hộp thư: http://www.online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG