Đề xuất cứu thị trường bất động sản: Không tưởng

Nhiều chuyên gia nhận định bất động sản vẫn đang trên đà giảm giá. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều chuyên gia nhận định bất động sản vẫn đang trên đà giảm giá. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Nhiều chuyên gia phản đối đề xuất nhà nước bỏ tiền mua lại bất động sản thời điểm này như một cách bơm vốn ra thị trường, tạo dòng tiền trợ giúp doanh nghiệp của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

> Bảo vệ lợi ích cho ai?

Nhiều chuyên gia nhận định bất động sản vẫn đang trên đà giảm giá. Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều chuyên gia nhận định bất động sản vẫn đang trên đà giảm giá. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thị trường ngày càng trầm lắng, nhiều đại gia bán tháo bất động sản (BĐS), trả nợ ngân hàng. Cuối tuần trước, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đề xuất: “Nhà nước nên bỏ tiền đầu tư và mua lại bất động sản ở thời điểm này như là một cách để bơm vốn ra thị trường, tạo dòng tiền trợ giúp các doanh nghiệp”. Lập tức, nhiều chuyên gia phản đối. 

Giá giảm chưa chạm đáy

Gần đây, không chỉ chung cư, giá đất nền cũng giảm mạnh, trung bình từ 20-35%. TS Nguyễn Minh Phong- Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Hà Nội cho rằng, mức giảm giá đó vẫn còn cao so với mặt bằng chung. Bởi lẽ, với mức độ tăng giá như vừa qua, chỉ trong vòng 3 năm, giá bất động sản tăng từ 6-7 triệu đồng/m2, lên 30-40 triệu đồng/m2, tức là gấp 5 đến 7 lần, nay mới chỉ hạ giá 30% chưa phải là chạm đáy, trong thời gian tới, giá BĐS còn giảm mạnh nữa, từ 50 - 70%.

Còn theo ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thời gian tới giá BĐS sẽ tiếp tục giảm về đúng giá trị thực của nó. Tuỳ loại nhà, chúng ta tính được giá thành khoảng 6 triệu/m2, tiền sử đụng đất nhà chung cư không đáng bao nhiêu, chỉ khoảng 10%, hiện nay giá chung cư mới chỉ xuống giá 15 - 16 triệu/m2, vẫn còn cao hơn giá thành rất nhiều.

“Chúng ta đang phải kiềm chế lạm phát, về nguyên tắc phải giảm cung tiền. Thêm nữa, Chính phủ đang phải kiểm soát nợ công, nên phải giảm đầu tư công, vì thế không thể bỏ tiền ngân sách ra để mua lại nhà đất của DN được. Nếu nhà nước bỏ tiền ra mua lại các dự án BĐS vào thời điểm này nó sẽ ngược với quy luật kinh tế và những điều mà hiện nay chúng ta đang làm”- Ông Đặng Hùng Võ.

Theo ông Võ, thị trường BĐS hiện chưa giảm đến mức chủ đầu tư phải kêu la, thực tế phải thấy rằng một số chiêu mà các chủ đầu tư đang thực hiện để gọi vốn người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhưng chưa đến mức phải bán tháo.

“Hiện nay, BĐS vẫn đang bình thường và chưa có nguy cơ sụp đổ. Lâu nay BĐS đã bị làm giá, đẩy lên quá cao khiến người lao động khổ sở, nên bây giờ nó trở về với giá trị thực, phù hợp với túi tiền người lao động thì cũng phải mất mát những cái khác như tính thanh khoản kém” - ông Võ nói.

Theo một nữ doanh nhân có tiếng trong BĐS thì hiện nay, các đại gia BĐS đều đã vỡ trận vì khó khăn về tài chính và thanh khoản.

“Thị trường BĐS đang là thị trường của người mua và người mua rất thận trọng bởi họ có cơ sở nghĩ rằng thị trường sẽ còn những đợt đại hạ giá nữa. Tôi được biết, có nhiều doanh nghiệp xây gần xong mà không biết bán cho ai, còn chết hơn những doanh nghiệp không có tiền triển khai dự án. Thời gian tới sẽ là những đợt hạ giá liên tiếp và chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập và tháo chạy của nhiều đại gia BĐS”, vị này nói.

Dự báo giá BĐS sẽ còn giảm mạnh Ảnh: Hồng Vĩnh
Dự báo giá BĐS sẽ còn giảm mạnh. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cứu thị trường là không tưởng

PGS. TS Đỗ Đức Định - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - xã hội Việt Nam phân tích, thị trường BĐS lúc này không có gì phải cứu cả. Giá BĐS quá cao so với mặt bằng chung của thế giới cũng như so với đời sống của người Việt Nam. Việc bảo nhà nước bỏ tiền ra ôm BĐS lúc này là không nên.

“Các nhà đầu tư BĐS thì cũng kêu như thế thôi, có một đại gia BĐS trong Sài Gòn cũng gọi điện ra kêu với tôi không có tiền, lãi cao và khó vay ngân hàng. Nhưng thực tế, tôi biết các anh ấy làm BĐS bao nhiêu năm, được nhiều quá rồi thì bây giờ mất một phần cũng không đáng gì đâu. Cho nên đừng có kêu ca nhiều về chuyện này.

Nếu nhà nước can thiệp thì phải là khi giá xuống đến đáy, chứ thời điểm này giá chưa chạm đáy. Thời gian tới giá sẽ còn xuống nữa, và một số nhà đầu tư sẽ không chịu nổi, phải bán tống bán tháo đi, có thể sẽ có người vỡ nợ nhưng biết làm thế nào được, vì lúc trước họ được nhiều quá rồi”, ông Định nói.

Theo ông Định, nếu có muốn cứu BĐS thì nên cứu BĐS thuộc về nhà ở xã hội, vì hiện nay nhà ở xã hội đang gặp phải nhiều vấn đề từ chính sách cho đến thanh khoản.

Còn ông Đặng Hùng Võ tỏ ra khá bức xúc khi bàn đến chuyện giải cứu BĐS: “Giá BĐS đang giảm thì cần gì phải giải cứu, cứu để cho giá tăng trở lại sao? Lúc đó thị trường BĐS càng xấu và méo mó hơn. Hầu hết các DN BĐS đều khởi đầu từ số 0 nên khi thị trường khó khăn họ lại trở về số 0 là điều bình thường thôi. Tôi cho rằng, ý kiến nhà nước bỏ tiền mua lại BĐS là điều không tưởng, bởi nhà nước không có nhiều tiền để làm việc đó”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
Israel tấn công hàng loạt kho vũ khí chiến lược ở Syria
TPO - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, trong 48 giờ qua, hầu hết các kho vũ khí chiến lược ở Syria đã bị tấn công. Hoạt động này được thực hiện nhằm ngăn chặn khả năng vũ khí của Syria rơi vào tay lực lượng đối lập và khủng bố sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.