Đề xuất Chủ tịch nước, Thủ tướng phải tuyên thệ khi nhậm chức

Đề xuất Chủ tịch nước, Thủ tướng phải tuyên thệ khi nhậm chức
TPO - Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét giữ quy định sau khi được bầu một số chức danh quan trọng phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và hiến pháp khi nhậm chức, như Chủ tịch nước, Thủ tướng.

Ngày 15/4, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là những quy định về vấn đề nhân sự.

Căn cứ quy định tại Hiến pháp mới ban hành “sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”, tại Điều 6, 7, 8, 9, 10 của Mục 2, Chương I, dự thảo luật quy định việc bầu các chức danh này đều có một dòng quy định, các chức danh sau khi được bầu phải “tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.

Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành (luật ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2007).

Theo Ban soạn thảo dự án luật, quá trình góp ý hoàn thiện dự án luật, có ý kiến đề nghị tất cả các chức danh do Quốc hội bầu phải tuyên thệ khi nhậm chức.

Ý kiến khác cho rằng, chỉ nên quy định về tuyên thệ khi nhậm chức đối với các chức danh Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội hoặc bổ sung chức danh Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Ngược lại, có ý kiến đề nghị bỏ quy định về tuyên thệ nhậm chức. Một số người đề nghị gộp quy định về việc tuyên thệ nhậm chức tại các điều riêng thành một điều chung quy định về vấn đề này.

Theo ban soạn thảo, quy định về tuyên thệ khi nhậm chức nhằm tôn vinh và đề cao trách nhiệm trước nhân dân của những người giữ các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước do Quốc hội bầu.

“Chức danh nào phải tuyên thệ khi nhậm chức đã được quy định trong Hiến pháp và trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội chỉ thể chế hóa nội dung này”, ban soạn thảo nhấn mạnh.

Việc quy định về tuyên thệ nhậm chức tại các điều riêng cũng được ban soạn thảo lý giải là nhằm làm rõ quy trình tuyên thệ nhậm chức của mỗi chức danh được thực hiện ngay sau khi người đó được bầu. Nếu gộp việc tuyên thệ của các chức danh vào trong một điều sẽ dẫn đến cách hiểu, sau khi tất cả các chức danh này được bầu, sẽ thực hiện tuyên thệ cùng một lúc. 

Do đó, Ban soạn thảo đề nghị được giữ như dự thảo, tức là trong mỗi điều về bầu các chức danh nói trên đều có một dòng quy định, sau khi được bầu, các vị “tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.

Đầu nhiệm kỳ này (2011 - 2016), tại kỳ họp đầu tiên (tháng 7, 8/2011), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã được dành thời gian để ra mắt Quốc hội, phát biểu nhậm chức nhưng không phải là thực hiện yêu cầu tuyên thệ bắt buộc.

MỚI - NÓNG