Có cảnh báo nhưng rất ít người biết
Trận mưa dông chiều thứ Bảy vừa qua ập đến Hà Nội lúc 17h. Trước đó 16h20, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa ra cảnh báo trên website của cơ quan này. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau khi có tin cảnh báo, đơn vị này liên hệ với kênh VOV giao thông để thông tin đến thính giả và Đài Truyền hình Việt Nam để chạy chữ phía dưới màn hình ti vi.
Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết, họ chỉ cảm nhận được mưa dông qua biểu hiện của bầu trời chứ không biết qua phương tiện thông tin đại chúng, cũng không biết được mức độ mạnh, yếu của cơn dông.
Chị Lê Thanh Hoa (phố Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa), làm việc ở phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, kể: “Mình đang làm việc thì thấy trời đen, cố làm xong việc để về, đang đi đường thì mưa dông dữ dội, phải trú vào mái hiên một nhà dân, vừa trú vừa lo bảng quảng cáo, cành cây đổ vào đầu. Giá biết trước có dông lớn thì đã ở lại ở cơ quan đợi mưa tạnh”.
Theo Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai ban hành ngày 15/8/2014, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm truyền phát, tin dự báo, cảnh báo thiên tai chỉ gồm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố Trung ương và các cơ quan quản lý hệ thống truyền tin về thiên tai. Nhiều độc giả tỏ ra bức xúc khi việc truyền tin cảnh báo thiên tai lại chỉ qua hệ thống đó.
Anh Trần Mạnh Cường (Hai Bà Trưng), nói: “Mưa dông hay xảy ra vào cuối chiều. Giờ đó mọi người di chuyển trên đường rất đông, không mấy ai xem ti vi. Website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cũng rất ít người chủ động vào xem. Kênh VOV giao thông cũng chỉ người đi ô tô biết được. Tại sao không báo tin qua hệ thống phát thanh phường, quận là nơi người đi đường dễ tiếp nhận nhất”.
Ngay với một số người tiếp nhận được cảnh báo cũng cho biết, do không có thông tin về cường độ mưa dông nên không chủ động việc trú ẩn. “Biết có dông nhưng không biết mạnh yếu thế nào nên tôi vẫn lái xe. Đến lúc thấy cây đổ ngay trước mặt thì phải táp xe vào bên đường, trú nhờ nhà dân”, anh Trần Minh Hoàng (Cầu Giấy), kể.
Cần nhắn tin qua điện thoại để cảnh báo
Theo ông Phạm Văn Đức, nguyên Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dông là hiện tượng nguy hiểm nhưng quy mô nhỏ, có khi chỉ là một quận hoặc một thành phố, thời gian đến lại rất nhanh, chỉ cảnh báo trước được từ 1- 3 tiếng. Nhiều nước trên thế giới, cơ quan khí tượng và người dân đã quen với hình thức cảnh báo cực ngắn như thế nhưng Việt Nam thì mới bắt đầu, khi cảnh báo cực ngắn mới kết hợp với VOV giao thông và Đài Truyền hình Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đơn vị này đang xem xét lại quy trình cảnh báo, truyền tin mưa dông chiều 13/6. Khi có thông tin sẽ tổ chức họp báo thông báo.
Ông Đức cho biết thêm, nhiều nước trên thế giới áp dụng phương pháp truyền tin qua điện thoại khi có cảnh báo thiên tai cực ngắn như dông, lốc xoáy. Nhà mạng sử dụng dịch vụ định vị xác định các thuê bao đang trong vùng thiên tai nguy hiểm để gửi tin nhắn. Người dân trả tiền cho dịch vụ này giống như mua một dịch vụ viễn thông. Ông Đức cho rằng có thể áp dụng hình thức này ở Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương hoặc Trung tâm dự báo tại các vùng, tỉnh, thành phố có thể kết hợp với nhà mạng truyền tin đến khách hàng khi có thiên tai.
Tuy nhiên cũng theo ông Đức, khi sử dụng hình thức này, người dân phải chấp nhận sai số. “Cảnh báo cực ngắn có xác suất sai số cao nên thiên tai có thể xảy ra, cũng có thể không. Người dân phải chấp nhận cả sai số, nhất là trong điều kiện đầu tư cho dự báo cực ngắn ở Việt Nam còn rất hạn chế. Việc chấp nhận sai số cũng là khá phổ biến trên thế giới”.
Theo ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Quan hệ công chúng VNPT, việc truyền tin cùng lúc đến hàng loạt khách hàng trước khi thiên tai xảy ra 1-3 tiếng hoàn toàn có thể thực hiện được về mặt kỹ thuật. Đây là dịch vụ nhắn tin cộng đồng nên có chính sách riêng về giá. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương có thể làm việc với VNPT để thực hiện dịch vụ này.
Cần tận dụng hệ thống loa phát thanh
Bên lề kỳ họp ngày 15/6, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) trao đổi với phóng viên về cơn dông lốc bất thường diễn ra ở Hà Nội. Cơn dông lốc ập xuống, gây thiệt hại rất lớn với hơn 1.000 cây xanh, tài sản của dân bị tàn phá, đặc biệt đã có hai người chết, theo bà An, điều đó làm cho “Hà Nội rất buồn”. Bà An đề nghị Hà Nội cần nghiên cứu lại nên trồng cây gì cho phù hợp, ví dụ như trồng cây rễ cọc chứ không phải rễ chùm, làm thế nào có những loại cây thích hợp nhất, bền vững nhất để vừa bảo vệ môi trường, vừa tránh rủi ro xảy ra?... Đồng thời Hà Nội cần phải rà soát, xem các cây nào mọt, mục ruỗng nguy hiểm thì phải thay thế ngay.
Tuy nhiên, theo ĐB Bùi Thị An, điều quan trọng là phải dự báo được tốt hơn và chuẩn bị tất cả tình huống để đối phó. “Mặc dù trong công tác dự báo rất khó có thể đúng chính xác 100%, nhưng bên khí tượng cũng phải rút kinh nghiệm. Việc dự báo với thời gian quá ngắn, dân sẽ không thể ứng phó được”, bà An nói và đề nghị Hà Nội cần nâng cao chất lượng dự báo sau sự việc này. Về giải pháp, bà An cho rằng, cần tận dụng hệ thống loa phát thanh ở các xóm làng, khu dân cư, ngõ ngách để thông báo kịp thời cho người dân khi có diễn biến bất thường.
Dũng Nguyễn