Thị trưởng thành phố Davao, ông Rodrigo Duterte, người được ví là Donald Trump của phương Đông, vừa nói rằng nếu thắng cử, ông sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh và sẵn sàng thảo luận khả năng cùng khai thác các nguồn tài nguyên trên biển Đông. Quan điểm này trái ngược với quan điểm của chính phủ Philippines hiện nay, rằng phải có phản ứng đa phương trước những bước đi quyết đoán của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ quanh một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Ông Duterte không phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Philippines ở khu vực. Trong chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử vào thứ Hai tới, ông Duterte đã nói sẽ đi thuyền máy ra cắm cờ của Philippines trên một bãi cạn mà Bắc Kinh đang kiểm soát. Ứng viên này cũng nói rằng để các cuộc đối thoại tiến triển, Bắc Kinh phải thừa nhận các tuyên bố chủ quyền của Manila và để ngư dân Philippines đánh bắt trong vùng biển xung quanh – những điều kiện mà giới phân tích cho rằng Trung Quốc khó có khả năng chấp nhận.
Ngay cả như vậy, các nhà phân tích nhìn nhận việc ứng viên này ủng hộ một cách tiếp cận khác làm tăng thêm bất hòa trước một vấn đề căng thẳng của khu vực. Bắc Kinh đang bồi đắp, cải tạo những thực thể mà họ đang kiểm soát và xây dựng đường băng trên đó. Mỹ đang đưa máy bay và tàu quân sự vào khu vực để khẳng định quyền tự do hàng hải. Trong khi đó, Tòa án trọng tài quốc tế tại La Hay sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà Philippines trình lên.
Ông Duterte nói nếu thắng cử, ông sẽ sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh dù phán quyết là gì. Nhưng ứng viên này không nói sẽ phản ứng như thế nào trước các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Gác tranh chấp?
Trong chiến dịch vận động tranh cử cuối tuần qua và một cuộc trả lời phỏng vấn trước đó với báo Wall Street Journal, ông Duterte nói rằng ông sẽ đối thoại trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề biển Đông nếu những nỗ lực đa phương hiện nay không mang lại kết quả trong vòng 2 năm. Ông cũng nói có thể sẽ đề nghị Trung Quốc giúp xây dựng các dự án đường sắt ở Philippines.
“Nếu không có gì tiến triển sau 2-3 năm, tôi sẽ nói tôi không tiếp tục. Không có cuộc đối thoại nào tiến triển vì Mỹ và các đồng minh muốn đối thoại đa phương, còn Trung Quốc muốn đối thoại song phương. Tôi muốn nói với Trung Quốc rằng tôi sẵn sàng đối thoại (song phương”…Các ông (Trung Quốc) muốn đối thoại chứ? OK. Các ông muốn cùng khai thác phải không? OK. Vậy thì các ông đừng tuyên bố chủ quyền nữa và chúng tôi cũng không tuyên bố chủ quyền nữa”, ông Duterte nói.
Wall Street Journal dẫn lời nhà nghiên cứu chính trị Richard Heydarian tại ĐH De La Salle tại Manila cho rằng những phát biểu này rất đáng chú ý. Dù quan điểm của ông Duterte về vấn đề biển Đông không được nhiều người ở Philippines ủng hộ, nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến số phiếu bầu cho ông. Và nếu thắng cử, ông Duterte sẽ coi phán quyết của tòa trọng tài như “tư vấn của chuyên gia” và là di sản của chính quyền tiền nhiệm, ông Heydarian nhận định.
Ông Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói rằng dù ai thắng trong cuộc bầu cử sắp tới tại Philippines cũng phải hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh, và những nỗ lực như vậy sẽ được Mỹ ủng hộ. Nhưng mối bận tâm lớn hơn là khả năng tân tổng thống Philippines “đảo ngược chính sách đối với vấn đề này, ví dụ như gác lại phán quyết của tòa quốc tế và đồng ý cùng khai thác các tài nguyên với những điều kiện có lợi cho Trung Quốc”, ông Storey nói.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tránh trả lời câu hỏi về phát biểu của ông Duterte trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua. “Chúng tôi hy vọng chính phủ mới của Philippines có thể xử lý đúng đắn tranh chấp trên biển Đông và cải thiện quan hệ song phương bằng những hành động cụ thể”, Người phát ngôn Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo. Một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Mỹ “luôn ủng hộ các quốc gia sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và trên biển mà không dùng hoặc sử dụng vũ lực, cưỡng ép hoặc đe dọa”.
Chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống Benigno Aquino III không chấp nhận thương lượng song phương với Bắc Kinh và tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế, như tăng cường quan hệ quân sự với Washington và Tokyo, và nộp đơn kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế năm 2013.
Theo các cuộc thăm dò gần đây, ông Duterte đang dẫn trước 10 điểm so với các đối thủ cạnh tranh ghế tổng thống, dù nhiều nhà phân tích chính trị ở Manila nói rằng nhiều cử tri vẫn chưa quyết định sẽ ủng hộ ai. Sẽ chỉ có một vòng bầu cử tổng thống ở Philippines. Việc xác định số phiếu bầu sẽ phải mất vài ngày hoặc vài tuần, nhưng tổng thống mới dự kiến sẽ bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 30/6 tới.