Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Phúc:

Đề xuất các giải pháp quan tâm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng

TPO - Để phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đại biểu Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đề xuất nhân rộng mô hình quỹ nâng cánh ước mơ thiếu nhi; tổ chức diễn đàn trẻ em cần mở rộng hơn về đối tượng và ở các cơ sở Đoàn, Hội, Đội.

Đại hội với sự tham dự của 214 đại biểu. Ảnh: Như Ý

Ngày 28/9, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra phiên với tinh thần hành động “Khát vọng - tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển".

Trong phiên thứ nhất, các đại biểu đã tham gia thảo luận tại bốn diễn đàn với các chủ đề: Công tác xây dựng tổ chức Đoàn, tham gia xây dựng Đảng và mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; Nâng cao chất lượng công tác giáo dục của Đoàn; Thanh niên Vĩnh Phúc với chuyển đổi số; Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.

Các đại biểu đã thảo luận tại bốn diễn đàn. Ảnh: Như Ý

Kết nối mạnh thường quân, lập quỹ nâng cánh ước mơ

Anh Lưu Văn Sinh - Phó Bí thư huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Tam Đảo cho biết: Tam Đảo là huyện miền núi với dân số hơn 90 nghìn người. Tổng số thanh niên nhi đồng huyện hơn 14 nghìn em, trong đó thiếu niên nhi đồng dân tộc thiểu số hơn 8.000 em.

Huyện đã có nhiều giải pháp quan tâm, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tiêu biểu có việc vận động, hình thành mạng lưới các nhà tài trợ tại địa phương thông qua thành lập quỹ "Nâng cánh ước mơ thiếu nhi Tam Đảo".

Anh Lưu Văn Sinh phát biểu ý kiến tại diễn đàn phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng. Ảnh: Như Ý

Chúng tôi đã khảo sát trên toàn bộ địa bàn huyện và nhận thấy chưa có quỹ nào để kết nối mạnh thường quân. Từ đó, chúng tôi đã có ý tưởng và xin ý kiến Ban Chấp hành Huyện Đoàn và Huyện ủy để thành lập quỹ nâng cánh ước mơ thiếu nhi năm 2018. Quỹ có điều lệ hoạt động công khai, minh bạch và tổ chức Đội là cơ quan thường trực làm nhiệm vụ điều hành, phân phối quỹ", anh Sinh nói.

Anh Sinh cho biết thêm, Huyện Đoàn, Hội đồng Đội huyện đã xây dựng kế hoạch và vận động mạnh thường quân trên cơ sở danh sách trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên các địa bàn với những nội dung cụ thể như: cần hỗ trợ trang thiết bị học tập, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể... Các mạnh thường quân sẽ hỗ trợ trực tiếp tới các em.

Riêng năm 2019 đã tổ chức cuộc thi và kêu gọi được 90 mạnh thường quân và hỗ trợ hơn 130 em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Ngoài ra, vận động sự hỗ trợ từ Đoàn các trường thông qua quyên góp phế liệu.

Để trẻ em thể hiện điều muốn nói

Chị Đào Thị Hiền - Bí thư Đoàn, Tổng Phụ trách Đội Trường THCS Yên Lạc (huyện Yên Lạc) bày tỏ trong thời gian qua đã có những vụ tai nạn đuối nước tại những nơi tưởng chừng an toàn, cũng như một số hiện tượng xấu khác... Qua đó, cho thấy lỗ hổng trong công tác tuyên truyền Luật trẻ em chưa được thực thi trong cuộc sống.

Chị Hiền đề xuất, tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền Luật trẻ em, nâng cao nhận thức quyền trẻ em cho nhiều đối tượng, nhất là trẻ em; người làm công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em như bố mẹ, giáo viên, cán bộ Đoàn, Hội, Đội... Việc tổ chức diễn đàn trẻ em cần mở rộng đối tượng tham dự và đổi mới hình thức tổ chức.

Chị Đào Thị Hiền phát biểu ý kiến. Ảnh: Như Ý

Kịch bản tổ chức diễn đàn cần thực thi ở các cơ sở Đoàn, Hội, Đội trong toàn tỉnh chứ không thu nhỏ trong hội trường. Đối tượng tham dự diễn đàn không chỉ là đại biểu chọn lọc 10, 20 trẻ em nữa. Phần lớn những đại biểu này là các em chăm ngoan, tiêu biểu, có nhận thức khá đầy đủ, trong khi những em có nhận thức hạn chế ở các cơ sở còn nhiều. Do đó cần mở rộng đối tượng diễn đàn để thực sự trẻ em được quyền nói, thảo luận", chị Hiền nói.

Chị Hiền cũng đề xuất phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ thực hiện quyền trẻ em. "Tổng đài 111 là tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em. Để gọi đến tổng đài thì phải có phương tiện liên lạc, nhưng trẻ em không được sử dụng điện thoại, nhất là trong nhà trường. Việc gọi đến tổng đài chỉ thực hiện khi vụ việc liên quan đến vi phạm luật trẻ em xảy ra rồi. Như vậy xử lý tình huống cấp bách gọi khi cần là chưa có, do đó cần có công cụ giúp trẻ em sẵn sàng dùng để khi cần thiết", chị Hiền bày tỏ.

Tại diễn đàn cũng có nhiều đề xuất các giải pháp quan tâm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng; cũng như nhân rộng mô hình quỹ hỗ trợ tại các cơ sở Đoàn, Hội, Đội như quỹ nâng cánh ước mơ của Tam Đảo.

Anh Đỗ Văn Cường phát biểu ý kiến tại diễn đàn. Ảnh: Như Ý

Anh Đỗ Văn Cường - Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Phúc trao đổi một số giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong đó, cần có sự phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó nhà trường có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo để sử dụng an toàn; gia đình giám sát việc sử dụng, tham gia mạng xã hội; xã hội cần lên án, tẩy chay các ứng dụng, video có nội dung độc hại, lan tỏa nội dung hữu ích, tốt đẹp. Các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát xử lý các đối tượng đăng tải các nội dung độc, hại.