Đề xuất biện pháp chống dịch như trong 'tình trạng khẩn cấp'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đại diện Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp tăng cường phòng, chống COVID-19, để có cơ sở đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp. Theo Bộ trưởng Y tế, công tác phòng, chống COVID-19 đã phát sinh các tình huống bất cập, cần giải quyết ngay.

Chính phủ cho rằng, dịch bệnh này chưa có tiền lệ, nên cần những biện pháp chưa có trong tiền lệ để giải quyết. "Chính phủ cần thiết áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp", ông Long nhấn mạnh, đồng thời giải thích, nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế, an ninh trật tự, đối ngoại, đời sống nhân dân…

Đề xuất biện pháp chống dịch như trong 'tình trạng khẩn cấp' ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình đề xuất của Chính phủ tại Quốc hội. Ảnh: Như Ý

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất 6 nội dung cơ bản. Trong đó, đề xuất Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Điều 54 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và biện pháp cần thiết khác… Đồng thời cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong mua sắm thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế, hóa chất…

Cùng với đó, Chính phủ cũng đề xuất Thủ tướng quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt.

Đại diện cơ quan thẩm tra, bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội khẳng định, đưa nội dung phòng, chống dịch COVID -19 vào nghị quyết chung của kỳ họp là phù hợp.

“Dự thảo này được đọc, biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc thể hiện sự chia sẻ kịp thời đối với nhân dân, cử tri cả nước, đồng thời chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội, cơ quan đại biểu nhân dân về quyết tâm đoàn kết, chiến thắng đại dịch COVID-19, vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.

Quốc hội đề nghị Chính phủ có các giải pháp tránh tối đa những tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào nghị quyết các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm. Thời hạn hiệu lực của nghị quyết, chỉ nên thực hiện đến hết năm 2022 và phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống COVID-19.

MỚI - NÓNG