Đề xuất 610.000 tỷ đồng cho an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
TPO - Tổng kinh phí thực hiện đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ trong 10 năm tới dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng.

Chiều 16/9, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045.

Viện dẫn sự cần thiết, Bộ trưởng Hoan cho biết, nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người nhưng đang suy thoái trầm trọng. Đến năm 2025, ước tính có 1,8 tỷ người sẽ sống ở các khu vực hoặc quốc gia khan hiếm nước, đến năm 2030 gần 50% dân số nằm trong vùng căng thẳng cao về nước.

Tại Việt Nam, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt quốc gia, sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chiếm tới 63%. Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã, đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện, gia tăng khai thác, sử dụng nước, chuyển nước trên lưu vực sông Mê Kông và sông Hồng gây ô nhiễm, thiếu hụt phù sa về hạ lưu tác động đến hệ sinh thái, suy thoái nguồn nước của nước ta.

Cũng theo ông Hoan, hiện cả nước có 7.808 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3. “Nguồn nhân lực quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”, ông Hoan cho hay.

Mục tiêu được đề án đưa ra đến năm 2030 đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng; đầu tư xây dựng các hồ chứa nước lớn, hệ thống chuyển nước liên vùng; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, thiếu năng lực phòng, chống lũ.

Cùng với đó, 100% dân cư thành thị, 65% dân số nông thôn, 100% các đảo có đông dân cư được cấp nước sạch đạt quy chuẩn; 30% diện tích cây trồng được thực hiện phương thức canh tác tiên tiến và tưới tiết kiệm nước; 50% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Đến năm 2045, hoàn thành xây dựng các công trình lớn điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên các hệ thống sông, hoàn thành xây dựng các hồ chứa nước lớn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; cơ bản 100% các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt được xử lý, phục hồi.

Theo tính toán của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng, địa phương và xã hội hóa 410.000 tỷ đồng;

Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương 80.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hóa 168.800 tỷ đồng. Sang giai đoạn 2026-2030, ngân sách Trung ương 120.000 tỷ đồng, địa phương và xã hội hóa 241.200 tỷ đồng.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Uỷ ban này đề nghị Chính phủ tổng hợp đầy đủ kinh phí đã phân bổ ở tất cả các ngành, lĩnh vực và đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 29. Đồng thời làm rõ cơ sở pháp lý để xác định tỉ lệ cơ cấu các nguồn vốn trong toàn bộ giai đoạn triển khai Đề án và riêng cho giai đoạn 2021- 2025.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bố trí cho Đề án trong giai đoạn 2021- 2025, nhất là nguồn vốn xã hội hóa; làm rõ căn cứ phân bổ nguồn vốn cho giai đoạn 2026-2030.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần có nghị quyết về an ninh nguồn nước, hoàn thiện đề án, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp tới.

MỚI - NÓNG