Đề xuất 3 bước để hồi sinh sông Tô Lịch

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với TS Tadashi Yamamura về công nghệ làm sạch nước sông Tô Lịch
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với TS Tadashi Yamamura về công nghệ làm sạch nước sông Tô Lịch
TP - Ngày 30/10, Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kết quả thí điểm xử lý nước Hồ Tây bằng công nghệ Nano Bioreactor. 

Bộ trưởng đặt vấn đề, bên cạnh việc xử lý bùn và chất hữu cơ, công nghệ này có xử lý được các chủng vi khuẩn gây bệnh như E.coli, Coliform hay chất thải vô cơ như kim loại nặng không. Ông cũng cho rằng, tại Nhật Bản nước thải được xử lý trước khi chảy ra sông hồ và không bị bổ sung chất thải hàng ngày còn Việt Nam, 80-90% nước thải sinh hoạt chưa xử lý, đổ thẳng ra sông hồ.

TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, công nghệ này ngoài phân hủy chất hữu cơ có thể làm giảm triệt để vi khuẩn có hại như E.coli, Coliform. Với chất vô cơ như kim loại nặng thì không thể phân hủy nhưng có thể bổ sung công nghệ để xử lý. Ông đề xuất, trước mắt tập trung xử lý mùi hôi thối và giảm chỉ số gây bệnh để tạo ra dòng sông an toàn cho người dân.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Quan trọng nhất là công nghệ phải phù hợp với đặc thù nước sông hồ có nhiều nguồn thải ở Việt Nam và phải phù hợp chi phí. Vì thế, công nghệ này nên áp dụng các hồ ô nhiễm, những nơi đã ngăn chặn nước thải đổ vào để xử lý mùi, chất hữu cơ và vi khuẩn gây bệnh. Với các dòng sông, kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng, có nguồn thải đổ vào hàng ngày vẫn phải tiến hành thu gom nước thải và tiến hành xử lý nước thải tập trung, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp”.

TS Tadashi Yamamura cũng nhận định: “Để hoàn thành hàng trăm km cống bao sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền của trong khi người dân sống xung quanh sông Tô Lịch phải chịu mùi hôi thối hàng ngày. Giải pháp chúng tôi đề ra là dòng sông an toàn nhằm giải tỏa nỗi khổ của người dân sống ở gần sông, khi có điều kiện chúng ta xây dựng hệ thống thu gom nước thải”.

Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đề xuất 3 bước để sông Tô Lịch hồi sinh thực sự. Theo đó, bước đầu xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nano Bioreactor, sau đó cho nước Hồ Tây vào để tạo dòng chảy và cuối cùng xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Thời gian qua, phía Công ty JVE đã áp dụng thử nghiệm công nghệ Nano Bioreactor tại hai địa điểm là sông Tô Lịch và Hồ Tây. Theo báo cáo của công ty này, chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và Hồ Tây có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN. Mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần, Hồ Tây giảm 30 lần nhờ Công nghệ Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là kết quả do phía công ty JVE công bố, chưa có đối chứng của cơ quan chức năng và đơn vị độc lập.   

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.