Đề thi vào lớp 10 THPT ở TP.HCM có nhiều thay đổi, teen cần "bí kíp" gì để đạt điểm cao?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Dù vẫn giữ nguyên cấu trúc như đã công bố trước đó nhưng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM sẽ có điều chỉnh giảm bớt các câu hỏi phân hóa, câu hỏi khó. Vậy teen 9+ cần làm gì để đạt điểm cao?

Mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đã chia sẻ với báo chí: Đề thi kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay vẫn giữ nguyên cấu trúc đã công bố từ đầu năm. Tuy nhiên, về ma trận đề, số lượng các câu hỏi phân hóa, câu hỏi khó ở cả 3 môn thi tuyển sinh sẽ được giảm bớt, các câu hỏi ở mức độ cơ bản, thông hiểu và nhận biết sẽ tăng lên. Cho dù như vậy vẫn sẽ đảm bảo mức độ phân hóa để thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

Đề thi vẫn sẽ ra theo hướng vận dụng, đưa các kiến thức sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, học sinh cần trách học vẹt, học tủ. Điều này đòi hỏi khi ôn tập, học sinh và giáo viên cần bám sát vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh nắm thật chắc các kiến thức cơ bản ở chương trình THCS, nhất là ở bậc lớp 9, ôn tập theo hướng vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề liên quan thực tiễn.

Một điểm mới nhất năm nay trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP.HCM là môn Ngoại ngữ được "nâng hạng" khi tất cả 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ đều tính hệ số 1. Ngoài ra, đề thi môn Ngoại ngữ năm nay tăng thời gian làm bài lên 90 phút so với 60 phút như trước. Được biết, số lượng câu hỏi sẽ tăng lên 40 câu thay cho 36 câu như trước.

Vũ Thị Thanh Tâm - tổ trưởng tổ tiếng Anh, trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Quận Tân Bình, TP.HCM) lưu ý tới các bạn học sinh, một trong những sơ suất mà nhiều thí sinh thường gặp chính là không đọc kỹ đề bài nên đề hỏi một đằng, trả lời một nẻo. Khi đi chấm thi, cô Tâm đọc bài thì biết nhiều bạn học khá, biết cách làm bài nhưng cẩu thả, sai chính tả, thiếu chữ, thiếu nét... nên mất điểm.

Theo cô Tâm, một trong những nguyên nhân khiến bài thi tiếng Anh của học sinh không đạt được điểm cao là do vốn từ của thí sinh còn hạn hẹp. Những năm gần đây, đề thi tuyển sinh lớp 10 đã hạn chế bớt những câu hỏi về ngữ pháp. Thay vào đó là yêu cầu thí sinh phải vận dụng kỹ năng và liên hệ thực tế. Vì thế, học sinh cần học theo kiểu học - hiểu, mở rộng và nâng cao về cách sử dụng từ.

Đề thi vào lớp 10 THPT ở TP.HCM có nhiều thay đổi, teen cần "bí kíp" gì để đạt điểm cao? ảnh 1

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Đối với môn Ngữ văn, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn Ngữ văn, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đề thi sẽ có 3 phần yêu cầu gồm đọc - hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

- Về phần Đọc - hiểu: Văn bản được chọn có thể là văn bản thông tin, nghị luận xã hội, khoa học... câu hỏi theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó; từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Các câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh hay câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới...

- Tiếp theo, đề thi sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận xã hội có độ dài khoảng 500 chữ. Khi làm bài, thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài nghị luận xã hội, vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, đừng quên rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân.

- Bài nghị luận văn học có 2 đề, thí sinh có thể lựa chọn đề để làm bài. Trong đó, đề 1 sẽ là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến... Đề số 2 cách hỏi sẽ mới hơn, gợi mở hơn.

Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TP.HCM) đưa ra lời khuyên cho các thí sinh: "Nhiều em tâm sự với tôi phần nào đã ra đề năm trước rồi thì năm nay không ra nữa đâu, học làm chi. Như vậy là rất sai lầm! Vì trên thực tế nhiều bài năm trước ra rồi nhưng năm sau ra nữa và ra theo khía cạnh khác. Vì vậy, tốt nhất là học sinh cứ học và ôn hết những bài trong chương trình. Với môn văn, điều quan trọng nhất là kỹ năng làm bài, viết văn, lập luận, đưa ra lý lẽ xác đáng thì mới đạt được điểm cao".

Đối với môn Toán, thầy Nguyễn Đoàn Vũ - giáo viên trường THCS Minh Đức, (Quận 1, TP.HCM) nhận định rằng, nhiều bạn thí sinh quá hấp tấp, đọc đề chưa kỹ đã vội làm bài. Ví dụ đề bài cho 1 người đi gánh nước thì phải tính là người đó gánh 2 cái thùng nhưng rất nhiều bạn chỉ tính có... 1 thùng nước. Thứ hai, các thí sinh cần lưu ý về việc đổi đơn vị và sai số - tuy cái này rất nhỏ nhưng một số bạn vẫn bị mất điểm oan uổng.

Thầy Vũ chia sẻ, với môn Toán, cần phải đọc thật kỹ đề bài - nhất là các bài toán thực tế. Những câu nào dễ thì các bạn thí sinh nên ưu tiên làm trước, những câu khó để giải quyết sau.

Đề thi vào lớp 10 THPT ở TP.HCM có nhiều thay đổi, teen cần "bí kíp" gì để đạt điểm cao? ảnh 5
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

HHT - Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 sẽ chính thức diễn ra, kéo theo đó là cuộc “chạy đua” thi thử để kiểm tra và đánh giá năng lực, cũng như rèn luyện áp lực cho thí sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thi thử bao nhiêu là đủ và thi thử vào thời gian nào là phù hợp ?