Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Cần có tính phân hóa cao hơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) bày tỏ mong muốn đề thi cần có tính phân hóa cao hơn để họ có thể sử dụng xét tuyển sinh. Trong khi đó, nhiều học sinh, giáo viên lại cho rằng, đề thi mới khiến các em dễ mất điểm từ những sai sót nhỏ.

Sẽ có độ phân hóa hơn

GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược, ĐH Huế, cho biết đến năm 2023, nhà trường vẫn sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT là kênh xét tuyển chính, bên cạnh tỉ lệ rất thấp thí sinh được xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên xét tuyển.

“Chính vì vậy, nếu kì thi Bộ GD&ĐT dự trù tổ chức từ năm 2025 đạt được các yêu cầu, mục đích đã nêu thì chúng tôi nghĩ rằng các trường sẵn sàng sử dụng kết quả này để tuyển sinh”, ông Huy nói. Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT với 2 môn lựa chọn và 2 môn bắt buộc, số lượng các tổ hợp xét tuyển thực tế sẽ thấp hơn hiện nay. Do vậy, thí sinh sẽ phải định hướng kỹ hơn, tốt hơn, xác định chắc chắn hơn các tổ hợp để trúng tuyển những ngành mong muốn xét tuyển.

GS Huy cho hay, Cục Quản lí Chất lượng, Bộ GD&ĐT đã tổ chức ra đề thi thử dành cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trên cơ sở định dạng đề đã có. Nhưng khối lượng kiến thức mới chỉ dừng lại ở năm lớp 10, lớp 11 vì học sinh lớp 12 hiện vẫn đang học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Trường ĐH mong muốn được tiếp cận phân tích kết quả đề thi này. Từ đó có thể tin tưởng chắc chắn vào đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để tuyển sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, khi Bộ GD&ĐT công bố dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và mục đích của kì thi là xét tốt nghiệp, làm căn cứ tin cậy để các trường ĐH có thể sử dụng tuyển sinh, ĐH Đà Nẵng quyết định dùng kết quả kì thi này là kênh chính để tuyển sinh, không thành lập trung tâm khảo thí. Theo ông Vũ, việc sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT giúp thí sinh không phải tham gia quá nhiều kì thi như hiện nay.

Theo TS Vũ, nếu tận dụng kết quả kì thi của Bộ GD&ĐT, trường ĐH có thể tập trung hoàn toàn nguồn lực vào vấn đề đào tạo, thay vì phân tán nguồn lực (cơ sở dữ liệu, phần mềm, người ra đề thi...) để tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, ông Vũ cũng đề xuất, đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT nên có tính phân loại hơn, đáng tin cậy hơn để làm cơ sở cho các trường ĐH xét tuyển.

Về cấu trúc định dạng đề thi, PGS Vũ cho rằng Bộ GD&ĐT cần đảm bảo sự ổn định, tránh tình trạng thay đổi mỗi năm sẽ khiến các trường ĐH khi xét tuyển cũng phải thay đổi phương thức theo.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh thông điệp của Bộ là khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Điều này nhằm giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo công bằng trong tuyển sinh ĐH. Theo ông Thưởng, học sinh ở vùng sâu, vùng xa sẽ thiệt thòi hơn khi không có điều kiện tiếp cận các kì thi riêng của các trường.

Thứ trưởng cũng khẳng định kì thi được Bộ GD&ĐT tập trung tổ chức thực hiện nên đảm bảo độ tin cậy về kết quả, học thật, thi thật, chất lượng thật. Tới đây, đề thi sẽ có độ phân hoá cao hơn.

Dễ mất điểm từ những sai sót nhỏ

Năm 2025, lứa học sinh lớp 11 năm nay sẽ thi tốt nghiệp THPT theo phương thức mới, cấu trúc định dạng đề thi cũng hoàn toàn mới. Theo nhiều học sinh, giáo viên, đề thi mới đánh giá được năng lực học sinh và các em dễ mất điểm từ những sai sót nhỏ.

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Cần có tính phân hóa cao hơn ảnh 1

Học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) trong giờ kiểm tra Ảnh: Quỳnh Anh

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết, để học sinh lớp 11 năm nay nhanh chóng tiếp cận cấu trúc đề thi mới, ngay giữa học kỳ II, nhà trường đã thiết kế đề kiểm tra đánh giá các môn theo cấu trúc định dạng Bộ GD&ĐT vừa công bố. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhanh chóng cho học sinh khảo sát môn Toán, Ngữ văn để một lần nữa các em được thử nghiệm. Thời gian tới, nhà trường sẽ chủ động xây dựng ngân hàng đề để học sinh luyện dần cho đến kỳ thi, tuy nhiên phía học sinh vẫn còn một số băn khoăn. Đó là cấu trúc đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 có thêm hai dạng thức mới, trong đó dạng điền thông tin bắt buộc học sinh phải giải các bước đầy đủ ngoài nháp sau đó mới ghi kết quả vào phiếu. “Trường đã tập huấn cho giáo viên, toàn bộ học sinh lớp 11 về cách thức tô vào phiếu ra sao thế nhưng qua bài kiểm tra giữa kỳ cho thấy rất nhiều học sinh làm sai. Điều này đòi hỏi thầy cô sẽ phải dày công hơn nữa để hướng dẫn, cho học sinh làm quen. Một vấn đề nữa là, cấu trúc đề mới, cách thức mới nên học sinh chưa có kỹ năng thực hiện, mất rất nhiều thời gian dù nhà trường đã rút ngắn câu hỏi”, bà Quỳnh nói.

Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT với 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn. Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc, định dạng đề thi mới, trong đó các môn trắc nghiệm có thêm các dạng thức trắc nghiệm gồm: đúng - sai; trả lời ngắn. Bộ GD&ĐT đã thử nghiệm cấu trúc đề thi mới ở khoảng gần 5.000 học sinh tại 5 tỉnh, thành phố.

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức đánh giá định dạng đề thi cho chương trình mới tốt hơn, đánh giá được năng lực học sinh. Nếu Bộ GD&ĐT tiếp tục thử nghiệm trên diện rộng, học sinh sẽ có cơ hội làm quen và tự tin hơn. Với đề thi, được thử nghiệm rộng, xác suất sai sót cũng sẽ giảm thiểu. Mong muốn của trường là Bộ, Sở GD&ĐT sớm có ngân hàng đề chung để học sinh có kho dữ liệu học tập, tham khảo. Ngoài ra, khi có phương án mới, các trường ĐH cũng cần xây dựng phương án tuyển sinh sớm để học sinh định hình được lĩnh vực cần tập trung cao độ.

Thầy Bùi Hữu Thước, giáo viên dạy Toán của trường này, nhận định, ưu điểm của định dạng đề thi mới là kiểm tra toàn diện kiến thức học sinh, tăng độ chính xác, tránh việc khoanh bừa. Xác suất để học khoanh bừa sẽ không còn được 2,5 điểm như trước mà chỉ còn dưới 2 điểm, giúp phản ánh chính xác năng lực học sinh.

Đề cũng tiệm cận cách đánh giá tư duy, kiểm tra năng lực của học sinh như cách một số trường ĐH đang triển khai. Điều đó, đòi hỏi học sinh phải học và làm bài nghiêm túc, cẩn trọng. Với dạng thức trắc nghiệm mới, chỉ cần sai 1 ý trong 4 ý sẽ bị mất 50% số điểm; sai 2 ý mất 75% số điểm. “Học sinh sẽ mất thời gian làm quen với cách thức làm bài. Có em làm đúng như ghi kết quả vào phiếu cũng sai. Thầy cô cũng gặp khó khi phải xây dựng ma trận đề hợp lý, phản ánh đúng năng lực học sinh”, thầy Thước nói.

Em Nguyễn Trang Anh, lớp 11D2, trường THPT Việt Đức, cho rằng, cấu trúc đề môn Ngữ văn không quá bất ngờ nhưng môn Toán có nhiều thay đổi và phân loại học sinh rất cao. Với cấu trúc đề thi mới, em và bạn đã thử nghiệm và nhận thấy, kiến thức nền tảng chắc chắn mới có thể xử lý được. “Ngoài ra, định dạng câu hỏi trả lời đúng - sai trừ nhiều điểm dẫn đến một sai sót nhỏ có thể mất điểm rất lớn. Học sinh sẽ run tay và cân nhắc kỹ càng trước khi đặt bút”, Trang Anh nói.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.