Đề phòng bị sốc nhiệt do nắng nóng

Tại cổng bệnh viện Nhi T.Ư, dòng xe nối đuôi nhau vào cổng bệnh viện, nhiều bố mẹ bế con đến viện vì con ốm do thời tiết nắng nóng. Ảnh chụp trưa 2/6. Ảnh: Như Ý.
Tại cổng bệnh viện Nhi T.Ư, dòng xe nối đuôi nhau vào cổng bệnh viện, nhiều bố mẹ bế con đến viện vì con ốm do thời tiết nắng nóng. Ảnh chụp trưa 2/6. Ảnh: Như Ý.
TP - Nắng nóng gay gắt tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc trong 3 ngày qua khiến số lượng bệnh nhân cao tuổi và trẻ em nhập viện có dấu hiệu tăng nhẹ. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đề phòng bị sốc nhiệt trong những ngày này.

Lưu ý bệnh tai biến

Bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh cho hay, đây là đợt nắng đầu tiên nên ảnh hưởng chưa rõ rệt đối với sức khỏe của người cao tuổi. Tuy nhiên nắng nóng gay gắt, kéo dài có thể sẽ xuất hiện tình trạng bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải, say nóng.

Theo đánh giá của các bác sĩ, hiện nay việc dự phòng ngoài cộng đồng chưa tốt. Cụ thể, bệnh tai biến mạch máu não có thể dự phòng bằng cách khám định kỳ, uống thuốc huyết áp đều nhưng ở Việt Nam, nhất là người cao tuổi ở nông thôn thường không uống thuốc hoặc uống thuốc không đầy đủ. Bác sĩ Lực chia sẻ, nhiều bệnh nhân đến khám nói rằng khi mệt, đau đầu vì huyết áp tăng mới uống thuốc. Đáng tiếc nhiều trường hợp đã bị tai biến hoặc tử vong vì nguyên nhân này do khi bệnh nhân đau đầu tức huyết áp đã tăng vọt.

Bác sĩ, thạc sĩ Tạ Hữu Ánh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Lão khoa T.Ư) cho biết, mới nắng nóng nên cơ thể của người cao tuổi chưa thể thích nghi ngay được. Bên cạnh đó khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra, cách vệ sinh cho các cụ, chế độ điều hòa có thể bật không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, thời tiết những ngày vừa qua dễ dẫn đến huyết áp tăng cao gây tai biến mạch máu não.

Bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài trời  trong những ngày nắng nóng; những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra trời nắng đột ngột mà phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi ra ngoài trời. Với người lớn tuổi phải thường xuyên theo dõi huyết áp. Đáng lưu ý, ở người già cảm giác khát nước rất ít dù cơ thể thiếu nước.

Đề phòng sốc nhiệt

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, những người phải đi ra nắng rất dễ bị sốc nhiệt (say nắng, say nóng). Say nắng là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt và là một cấp cứu y học, có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Bệnh thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu, và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng say nắng cũng có thể tấn công và biểu hiện ngay cả khi không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt báo trước. Say nắng xảy ra khi nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,55 độ C với các biến chứng liên quan tới hệ thống thần kinh trung ương xuất hiện sau tiếp xúc với nhiệt độ cao. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

Bác sĩ Chính khuyến cáo, khi cấp cứu bệnh nhân say nắng cần quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước, áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể. Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá. Trường hợp hỗ trợ y tế tới muộn, có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm. Tuy nhiên, bác sĩ Chính cũng lưu ý, dù đã phục hồi sau say nắng bệnh nhân có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần tiếp theo. Vì vậy, tốt nhất là tránh thời tiết nóng, tránh tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ khẳng định đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, đợt nắng nóng gay gắt mới diễn ra trong 3 ngày nên số bệnh nhi nhập viện khám và điều trị mới tăng nhẹ. TS Điển dự đoán, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì số lượng bệnh nhân sẽ tăng hơn nhiều do những trường hợp bệnh nặng chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trung ương. 

MỚI - NÓNG