Để nông dân làm chủ nhà máy?

Để nông dân làm chủ nhà máy?
TP - Ngày 13-3, luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng văn phòng Luật sư Vạn Lý, đại diện của hai nông dân kiện đòi nợ Cty Cổ phần Thủy sản Bình An có đơn gửi nhiều cơ quan TP Cần Thơ đề xuất phương án giải quyết nợ của Cty theo hướng để nông dân làm chủ nhà máy.

>Đại gia thủy sản: Phúc, họa thương trường

Vốn pháp định của Cty Bình An theo giấy phép đăng ký kinh doanh là 500 tỷ đồng. Trong đó, 52% cổ phần của bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ, và thành viên trong gia đình bà, tương đương 260 tỷ đồng. Nợ của Cty Bình An, theo TGĐ được ủy quyền Trần Văn Trí nói tại cuộc họp báo ngày 7-3: Nông dân 264 tỷ đồng, Ngân hàng ACB chi nhánh Cần Thơ 62 tỷ đồng. Bên cạnh, còn nợ bảo hiểm xã hội 3 tỷ đồng; thêm 48% cổ phần của các cổ đông khác tương đương 240 tỷ đồng. Tổng cộng nợ 569 tỷ đồng.

Tài sản để thanh toán, theo ông Trần Văn Trí báo cáo tại buổi làm việc với đại diện Ủy ban Trung ương MTTQVN cùng các ngành chức năng TP Cần Thơ chiều 12-3, là bán 2 dự án bất động sản tại TPHCM và nhà máy chế biến thủy sản.

Tuy nhiên, một dự án bất động sản chưa có cơ sở pháp lý để bán, một dự án mới làm móng và đang thế chấp cho ngân hàng nên khó bán ngay.

Như vậy, nguồn tài sản để trả nợ chỉ còn nhà máy chế biến thủy sản bao gồm cả viện nghiên cứu thủy sản và nhà máy sản xuất nước uống collagen.

Luật sư Trường Thành đề nghị, thuê một đơn vị thẩm định lại giá trị tài sản của nhà máy; sau đó tổ chức đại hội gồm các chủ nợ (nông dân), Ngân hàng ACB và tất cả các cổ đông của Cty để thống nhất phương án xử lý tài sản. Ông đề xuất hai phương án:

Một là, thành lập pháp nhân mới trên cơ sở giao 52% cổ phần của bà Phạm Thị Diệu Hiền và gia đình bà, để trả nợ cho Ngân hàng ACB, còn lại phân bổ cổ phần theo tỷ lệ cho các chủ nợ là nông dân. 48% cổ phần của các cổ đông khác giữ nguyên. Phương án này đảm bảo nhà máy tiếp tục hoạt động, ổn định việc làm cho công nhân.

Hai là, bán nhà máy nếu có đối tác mua hoặc bán đấu giá để thanh toán nợ theo thứ tự ưu tiên: Người lao động, BHXH, thuế và các khoản nợ nhà nước; nông dân; Ngân hàng ACB; các cổ đông khác; còn dư thì gửi vào tài khoản tạm giữ tại một ngân hàng chờ xử lý. Phương án này còn liên quan các khoản nợ khác sẽ được xử lý theo quy định của luật dân sự, kinh doanh thương mại, luật các tổ chức tín dụng.

Nếu hai phương án trên không được chấp thuận, luật sư Trường Thành kiến nghị UBND TP Cần Thơ thành lập ngay đoàn thanh tra liên ngành xác định tổng số nợ của Cty Bình An và cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền cùng gia đình; xác định giá trị tài sản hiện có của Cty Bình An và các tài sản bảo lãnh vay nợ cho Cty (của Cty và cá nhân); xác định tài sản mà Cty Bình An và cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền người đại diện theo pháp luật của Cty có đưa ra nước ngoài (phần lớn ở Hoa Kỳ); Làm rõ có dấu hiệu lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.