Để ngư dân không đơn độc

Có tàu Cảnh sát Biển, ngư dân yên tâm đánh bắt. Ảnh: Văn Chương.
Có tàu Cảnh sát Biển, ngư dân yên tâm đánh bắt. Ảnh: Văn Chương.
TP - Dự thảo Luật Cảnh sát Biển đang được Quốc hội thảo luận. Đối chiếu với điều 9, chương II quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát Biển, Tiền Phong ghi nhận những ý kiến của ngư dân gắn với tình hình xảy ra trên biển trong thời gian gần đây để góp phần luật hóa những vấn đề nhìn từ thực tiễn.

Cần thực thi tốt chức năng

Trong những năm gần đây, tàu cá của ngư dân Trung Quốc liên tục đi sâu vào vùng biển nước ta để bắt trộm hải sản. Năm 2017, Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng tổng kết có khoảng 183 tàu cá Trung Quốc đã vào cách bờ biển TP Đà Nẵng khoảng 40-50 hải lý. Phần lớn thông tin trên là từ hệ thống ra đa biển phát hiện, bên cạnh đó là ngư dân đi đánh bắt trên biển và báo cáo vào đất liền.

Khi phóng viên trực tiếp gặp gỡ các ngư dân thì được bà con trình bày, các tàu này là tàu cá Trung Quốc chuyên làm nghề giã cào. Tàu có gắn bánh xe dưới miệng lưới để cào băng luôn qua các rặng san hô, vốn là nơi sinh sản và lưu trú của các loài cá. Ngư dân Ngô Thanh Phong, thuyền trưởng tàu cá 67 Thành Công 01 ở huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu cá Trung Quốc khi vào vùng biển Việt Nam đánh lưới ngang nhiên, không có gì sợ sệt. Vài trường hợp lưới của tàu Trung Quốc đã vướng vào lưới rê của tàu anh Phong và bà con ngư dân tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh các tàu Trung Quốc đánh lưới, xuất hiện một số ít tàu chỉ thả trôi từ ngày này sang ngày khác và ngư dân phán đoán, đây là những tàu trinh sát giả dạng của Trung Quốc để bảo vệ tàu cá, hoặc nắm tình hình, thử phản ứng khi đi vào vùng biển của Việt Nam.

Rất nhiều ngư dân đã thắc mắc, tại sao tàu cá Trung Quốc ngang nhiên hoạt động và ngư dân đã liên tục báo cáo vào đất liền, nhưng Cảnh sát Biển vẫn có vẻ “án binh bất động”? Tốc độ của tàu Cảnh sát Biển tại Bộ Tư lệnh vùng 2 hiện nay đạt khoảng hơn 30 hải lý/giờ. Trong khi chỉ mất hơn 1 giờ hành trình thì tàu Cảnh sát biển có thể từ Đà Nẵng tiếp cận hiện trường và xua đuổi tàu Trung Quốc để giúp ngư dân an tâm bám biển. Vì vậy, cần được luật hóa và quy định kỹ hơn về việc Cảnh sát Biển tiếp nhận và xử lý tin tức từ ngư dân, giống như luật khiếu nại, tố cáo trong đất liền để Cảnh sát Biển gắn trách nhiệm hành động khi nhận được tin báo, đồng thời khuyến khích ngư dân tố giác những hoạt động mờ ám của tàu cá Trung Quốc trên biển Đông.

Đừng để ngư dân đơn độc

Điều 13, mục 2 quy định về việc tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển của lực lượng Cảnh sát Biển và điều 29 quy định về hoạt động của Cảnh sát Biển phối hợp với Bộ NN&PTNT, dự thảo luật không hề nhắc đến cụm từ “hỗ trợ cho ngư dân”. Khi tàu ngư dân bị nạn, các tàu cá tự tổ chức cứu nạn là kịp thời nhất, nhưng khi bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu thì tàu Cảnh sát Biển phải xuất hiện để thể hiện quyền chấp pháp trong vùng biển của Việt Nam. Và đó cũng chính là hành động thể hiện rõ nét nhất vai trò của Cảnh sát Biển.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến, thuyền trưởng tàu QNa 91327 TS ở cửa biển Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam), cho biết, sau nhiều năm đi biển, việc gặp tàu tuần tra của các lực lượng bảo vệ biển của Việt Nam là rất hiếm. Nhiều ngư dân cho biết, hầu như không gặp tàu tuần tra của Cảnh sát Biển khi đi đánh bắt. Trong khi vào thời điểm từ năm 2014-2016, Trung Quốc huy động tàu ra cắt ngang đường đi của ngư dân xem như một chiếc barie để không cho ngư dân đến vùng biển Hoàng Sa hoặc đi ra phía ngoài quần đảo Hoàng Sa. Thời điểm đó, các tàu cá phải đi vòng thêm vài trăm hải lý xuống khu vực giữa Hoàng Sa và Trường Sa, sau đó mới đi bật ra phía đông. Những lúc khó khăn như vậy rất cần lực lượng Cảnh sát Biển xuất hiện bảo vệ ngư dân.

Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa cho biết, năm 2015, khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá QNg 90559 TS của ngư dân Trương Văn Đức ở Hoàng Sa, các ngư dân điện vào đất liền cho Cảnh sát Biển thì vài phút sau, kênh thông tin này bị Trung Quốc phá sóng và chỉ có thể nói chuyện với các tàu cách nhau vài chục hải lý. Vì vậy ngư dân càng cảm thấy bất lực và đơn độc giữa biển...

Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng: Cần có chế tài nếu cảnh sát biển không hoàn thành nhiệm vụ 

Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải có bộ luật về Cảnh sát Biển  để lực lượng này hoạt động theo khuôn khổ quy định của luật pháp. Đây cũng là cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát Biển làm nhiệm vụ của mình. Trong bộ luật giao trách nhiệm Cảnh sát Biển bảo vệ ngư dân là một việc hết sức hợp lý. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh có luật, xác định chức năng nhiệm vụ rồi nhưng quan trọng vẫn là việc triển khai trên thực tế: “Có luật là một việc. Nhưng có làm tốt hay không cũng là một vấn đề nữa”.

Để ngư dân không đơn độc ảnh 1

Vùng biển Đà Nẵng nói riêng và dọc miền Trung nói chung là địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra trên biển liên quan đến ngư dân. Tuy nhiên qua theo dõi, ông Lĩnh cho rằng: Từ trước đến nay mỗi khi ngư dân xảy ra sự việc lực lượng Cảnh sát Biển cũng như biên phòng chỉ mới làm nhiệm vụ lấy lời khai và thường không có mặt tại hiện trường nơi xảy ra sự việc để lập biên bản, thu thập chứng cứ... Cần quy định Cảnh sát Biển là lực lượng có trách nhiệm hỗ trợ chính cho ngư dân trong việc lập biên bản trên biển, thu thập chứng cứ... nếu xảy ra các tai nạn, sự cố trên biển.  Cảnh sát Biển phải có trách nhiệm thay mặt nhà nước khởi tố các vụ án liên quan đến ngư dân nếu có dấu hiệu hình sự. Kể cả đưa vụ án ra tòa án quốc tế nếu xảy ra trong phạm vi đường hàng hải quốc tế thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời Cảnh sát Biển phải cung cấp các chứng cứ cho các vụ kiện này. Đồng thời phải xây dựng chế tài xử phạt thích đáng nếu lực lượng Cảnh sát Biển không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngư dân Lê Văn Thiên  (42 tuổi, Đà Nẵng): Mong muốn cảnh sát biển hiện diện trên biển nhiều hơn

Chủ của 4 tàu cá công suất lớn, thường xuyên bám ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa, ông Lê Văn Thiên (42 tuổi, phường Thuận Phước, Hải Châu, TP Đà Nẵng), cho biết: Thời gian qua, dù phía Trung Quốc ra lệnh cấm biển, thường xuyên truy đuổi tàu cá của ta nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển. Những lúc xảy ra những sự việc như vậy, ngư dân chủ yếu vẫn tìm cách chạy thoát, chờ yên ổn rồi mới quay lại đánh bắt. Chỉ những khi hư hỏng mới cầu viện lực lượng chức năng ở đất liền.

Để ngư dân không đơn độc ảnh 2

Theo ông Thiên, ngư dân thường đi theo tổ đội, hỗ trợ giúp đỡ nhau mỗi khi có sự việc trên biển nếu có sự hỗ trợ bảo vệ của lực lượng Cảnh sát Biển sẽ an tâm hơn. Lâu nay, tàu cá vẫn thường xuyên gặp tàu Cảnh sát Biển nhưng chủ yếu ở khu vực gần bờ. Luật Cảnh sát Biển ra đời, ngư dân mong muốn phạm vi hoạt động, cũng như sự hiện diện của lực lượng Cảnh sát Biển  trên biển ngày càng nhiều hơn để ngư dân vững tin bám biển.

Ngư dân đầu tư tàu thuyền, phương tiện hiện đại vươn xa mở rộng ngư trường, rất cần sự đồng hành của lực lượng Cảnh sát Biển.                                                                                                                            

LÊ VĂN CHƯƠNG - NGUYỄN THÀNH

MỚI - NÓNG