Đề nghị truy tố 20 bị can vụ đề án 112

Đề nghị truy tố 20 bị can vụ đề án 112
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án tham nhũng xảy ra tại Ban điều hành đề án 112 Chính phủ và các đơn vị liên quan.

Theo đó, đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 20 bị can về các tội “tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”.

Trong đó, các bị can Vũ Đình Thuần (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên trưởng Ban đề án 112 Chính phủ), Lương Cao Sơn (nguyên phó giám đốc Trung tâm tin học VPCP, ủy viên thư ký ban điều hành đề án 112 Chính phủ) bị đề nghị truy tố về hai tội “tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì đã chiếm hưởng hàng trăm triệu đồng và tạo điều kiện cho các cá nhân khác chiếm hưởng hàng tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.

Chiếm đoạt hàng tỉ đồng

Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (đề án 112) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2001 với mục tiêu xây dựng và vận hành hệ thống thông tin mạng điện tử từ trung ương (Chính phủ) xuống bộ - ngành - tỉnh - huyện trên phạm vi toàn quốc.

Tính đến ngày 30-12-2005, vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cấp cho đề án đạt 685 tỉ đồng, đã được giải ngân toàn bộ. Trong quá trình điều hành thực hiện đề án 112, các bị can trong vụ án đã tham ô, chiếm đoạt của Nhà nước hàng tỉ đồng.

Kết thúc điều tra vụ án, chỉ tính riêng trong các giao dịch với ba công ty TNHH công nghệ tin học ISA, Toàn Cầu, Nhất Vinh, các ông Vũ Đình Thuần, Lương Cao Sơn đã tham ô gần 1 tỉ đồng.

Ban điều hành đề án 112 còn ký 23 hợp đồng tin học với Công ty ISA trị giá nhiều tỉ đồng để rút tiền. Chỉ riêng các giao dịch với Công ty ISA, cơ quan điều tra khẳng định các bị can đã tham ô 510 triệu đồng, trong đó ông Thuần được 200 triệu, ông Sơn được 130 triệu, bà Nguyễn Thúy Hà (tổng giám đốc Công ty ISA) được 100 triệu, 80 triệu còn lại được chi cho một người là Phạm Thị Ngọc.

Trong quá trình triển khai dịch vụ cơ bản cho Trung tâm tích hợp dữ liệu, các bị can Vũ Đình Thuần, Lương Cao Sơn đã ký kết 24 hợp đồng với Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ ứng dụng Toàn Cầu và 20 hợp đồng với Công ty cổ phần phần mềm thương mại điện tử Nhất Vinh. Lãnh đạo hai công ty này khi được ký hợp đồng thì phải có trách nhiệm “lại quả” cho hai ông Thuần và Sơn một phần số tiền.

Theo đó, bị can Vũ Đình Thuần đã hưởng lợi 75 triệu đồng, bị can Lương Cao Sơn hưởng lợi 555 triệu đồng, bị can Chu Xuân Vinh (giám đốc Công ty Toàn Cầu) hưởng lợi 10 triệu đồng, bị can Lê Trung Nghĩa (giám đốc Công ty Nhất Vinh) chiếm hưởng 979 triệu đồng.

Biết ban điều hành đề án 112 có nhu cầu in sách nên một số cá nhân thuộc Tổng công ty Sách VN đã liên hệ với lãnh đạo ban này để được thực hiện việc in sách.

Kết quả, Tổng công ty Sách VN đã ký với ông Thuần 13 hợp đồng cung cấp sách trị giá gần 2,8 tỉ đồng và thực hiện việc “chiết khấu” lại cho ban đề án.

Cơ quan điều tra xác định bà Ngô Thị Nhâm (phó phòng kinh doanh sách của tổng công ty) hưởng lợi 725 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Minh Thiệu (phó tổng giám đốc tổng công ty) đã chi lại cho ban 112 là 206 triệu đồng.

Trong việc thực hiện hợp đồng này, cơ quan điều tra xác định bị can Vũ Đình Thuần và Lương Cao Sơn phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tương tự, tại Nhà xuất bản Tư Pháp (Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Đức Giao (giám đốc) đã ký 28 hợp đồng với ông Vũ Đình Thuần để in ấn tài liệu. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Giao đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền để chi lại quả cho một số thành viên ban điều hành.

Cơ quan điều tra xác định bị can Lương Cao Sơn hưởng lợi 139 triệu đồng, bị can Hoàng Đăng Bảo (thư ký của ông Vũ Đình Thuần) hưởng lợi gần 38 triệu đồng. Bị can Nguyễn Đức Giao có hành vi “lại quả” 761 triệu cho ban điều hành.

Lợi dụng ảnh hưởng người thân để trục lợi

Một số thành viên ban điều hành đề án 112 còn lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi.

Điển hình là các hợp đồng in tại Công ty in Khuyến Học. Lợi dụng việc có anh trai là Lương Cao Sơn làm ủy viên thư ký đề án 112, bị can Lương Cao Phi (cán bộ NXB Xây dựng, Bộ Xây Dựng) đã ký hợp đồng với Công ty in Khuyến Học in ấn tài liệu. Trong phi vụ này, bị can Lương Cao Phi đã chiếm hưởng 350 triệu đồng.

Cũng lợi dụng mối quan hệ cá nhân, bị can Lương Cao Phong (giám đốc Trung tâm thẩm định và tư vấn thông tin, Công ty Tin học xây dựng) - em ruột ông Lương Cao Sơn - đã môi giới để công ty này ký với ban điều hành 15 hợp đồng kinh tế gồm đào tạo tin học và dịch vụ. Thông qua đó, bị can Lương Cao Phong trục lợi 113 triệu đồng.

Trong tất cả các thương vụ trên, cơ quan điều tra xác định bị can Vũ Đình Thuần, Lương Cao Sơn đều có hành vi làm trái công vụ trong việc ký hợp đồng, không tìm hiểu đàm phán với đối tác, không chỉ đạo xây dựng hồ sơ thầu, tổ chức đấu thầu theo đúng quy định...

Theo Minh Quang
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.