Đề nghị thay đổi giờ làm việc, cấm xe máy một số tuyến phố

Đề nghị thay đổi giờ làm việc, cấm xe máy một số tuyến phố
TP - Ông Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT cho biết trong thời gian từ 21 đến 26/12, lực lượng CATP, Thanh tra GTCC đã xử lý 9.800 trường hợp vi phạm, thu 547 triệu đồng tiền phạt.
Đề nghị thay đổi giờ làm việc, cấm xe máy một số tuyến phố ảnh 1
Dù gây tranh cãi, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân          Ảnh: Hồng Vĩnh

Ông Hải đưa ra thông tin trên đây tại buổi sơ kết đợt cao điểm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông tại Hà Nội (27/12).

Xử lý vi phạm tăng gấp ba lần!

Cũng theo Phòng CSGT Hà Nội, số vụ vi phạm bị xử lý tăng 274,5% so với tuần trước khi mở đợt cao điểm.

Giám đốc CATP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh đánh giá cao thành tích mà các lực lượng của thành phố đã đạt được trong công tác đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông. Theo ông Nhanh, tình hình ùn tắc giao thông đã được giải quyết kịp thời, nhiều điểm nóng về ùn tắc đã được “hạ nhiệt”.

Đặc biệt, qua việc xử lý mạnh của CSGT, ý thức của người tham gia giao thông đã tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, về phần mình, lực lượng làm nhiệm vụ có nơi có chỗ còn chưa thực sự nghiêm túc dẫn đến ùn tắc không đáng có. Có điều không vui là trong tuần đầu “cao điểm” Hà Nội xảy ra 12 vụ TNGT, làm chết 13 người (cao hơn tuần trước đó). Đặc biệt nguy cơ gia tăng TNGT ở khu vực ngoại thành tăng cao.

Ông Hải thừa nhận có những khuyết điểm của CSGT và trong tuần, Phòng CSGT đã tạm đình chỉ công tác 11 chiến sĩ  lơ là trong công việc, rời vị trí công tác...

Đề nghị thay đổi giờ làm việc, cấm xe máy một số tuyến phố ảnh 2
Xe máy là phương tiện giao thông chính của người dân  Ảnh: Hồng Vĩnh

Xử lý nhiều, nhưng phải đúng pháp luật!

“Thành quả đáng khích lệ, nhưng chúng ta còn quá nhiều việc phải làm” – Ông Nguyễn Đức Nhanh khẳng định. Con số gần 10.000 trường hợp bị xử lý vẫn chưa phản ánh hết mức độ sai phạm của người tham gia giao thông.

Nhìn ở một góc độ khác, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Ban Thanh tra GTCC Hà Nội cho biết, các xe ôm túm năm tụm ba trên đường cũng cần phải xử lý nghiêm. Ông Mạnh đề xuất, trong thời gian tới, các lực lượng cần tập trung mạnh xử lý đối với các đối tượng bán hàng rong.

Đại diện Trung đoàn CSCĐ cũng kiến nghị cần quản lý chặt chẽ các cửa hàng hoạt động buổi đêm. Phần đông các cửa hàng đều cho khách đỗ xe trên lòng đường gây cản trở giao thông. Hơn thế nhiều tụ điểm bán hàng còn là nơi tụ tập đua xe và cổ vũ đua xe...

Khẳng định trước hội nghị, ông Nguyễn Đức Nhanh cho biết việc đảm bảo an toàn giao thông sẽ diễn ra liên tục, với tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, Giám đốc CATP cũng chỉ đạo tất cả các xe vi phạm phải bị đưa về gửi tại bãi xe của Cty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội. Đồng thời, CATP cũng giao cho Văn phòng CATP kiểm tra các hồ sơ xử lý để đảm bảo tính pháp lý cao.

“Chúng tôi khuyến khích các lực lượng xử lý nhiều vi phạm. Chỉ có điều xử lý phải đúng pháp luật, không để dân kiện”- Ông Nguyễn Đức Nhanh kết luận.

Hàng loạt đề xuất quan trọng

Giám đốc CATP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh cho biết, hiện Sở GTCC và CATP đang soạn thảo tờ trình gửi lên UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ nhiều nội dung quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể:

1-Ưu tiên cung cấp điện cho công tác điều hành, tổ chức giao  thông.

2-Xây dựng trước mắt 5 cây cầu vượt cho người đi bộ.

3-Cấm xe chở khách trên 26 chỗ ngồi (loại phục vụ du lịch, xe hợp đồng) hoạt động trong nội thành ở một số tuyến nội thành, một số giờ...).

4-Điều chỉnh tần suất xe buýt đi qua quận Thanh Xuân và Đống Đa (nơi có nhiều điểm ùn tắc).

5- Điều chỉnh điểm dừng xe buýt cách nhau tối thiểu là 500m, và cách nút giao thông ít nhất là 200m.

6- Nghiên cứu cấm mô tô hoạt động trên một số tuyến phố,vào một số giờ trong ngày.

7- Nghiên cứu đưa ra đề xuất tổ chức phương tiện qua cầu Thăng Long giống như  đối với cầu Chương Dương (quy định loại xe, giờ hoạt động...).

8-Chỉ những hãng taxi có 100 đầu xe trở lên mới được phép hoạt động kinh doanh taxi.

9- Tổ chức phân luồng giao thông từ xa (giống phân luồng khi tổ chức APEC).

10- Điều tiết giờ hoạt động của xe thu gom rác, xe chở rác.

11-Kiến nghị thành phố thành lập Ban Thường trực Ban chỉ đạo về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị.

12- Kiến nghị xây dựng kho giữ phương tiện tai nạn, lưu giữ dấu vết.

13- Kiến nghị đưa phiếu theo dõi lái xe vào sử dụng.

14- Tất cả các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao của thành phố đều tổ chức tại khu vực Mỹ Đình (trừ một số sự kiện đặc biệt).

15- Đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ làm việc trên địa bàn Hà Nội. Theo đó cơ quan Trung ương làm việc từ 7h30 đến 16h30, cơ quan Hà Nội làm việc từ 8h30 đến 17h30 (riêng trường học cấp phổ thông không đổi).

16- Đề nghị cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù khi xử lý vi phạm và tạm giữ phương tiện vi phạm... cũng như mức khen thưởng đối với lực lượng làm nhiệm vụ...

MỚI - NÓNG