Đề nghị lấy 10/8 là ngày nạn nhân vũ khí hóa học

Đề nghị lấy 10/8 là ngày nạn nhân vũ khí hóa học
Một bản kiến nghị nêu ý tưởng thành lập trung tâm thông tin quốc tế về các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã được gửi đến Liên Hợp Quốc, đề nghị lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày nạn nhân của các loại vũ khí hóa học trên thế giới.

Một năm đã trôi qua kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (công văn số 5770-CV/VPTƯ ngày 6/8/2004). Hôm nay, 10/8, cũng là ngày Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (VAVA) Việt Nam phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức chương trình “Công lý của trái tim” truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào lúc 19h45.

Sự kiện này được xem như thêm một lần “nạp năng lượng” cho cuộc hành trình dằng dặc của nhóm 27 nguyên đơn trong số hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện 37 công ty Mỹ mới qua phiên sơ thẩm với bản án đầy thiên vị cho bị đơn.

Nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho nạn nhân chất độc da cam

Ngày 9/8, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã họp báo công bố về hoạt động của Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Trong 6 năm qua, quỹ Trung ương đã huy động được 37,5 tỷ đồng; quỹ các địa phương huy động được trên 55 tỷ đồng.

Cùng với nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, quỹ đã giúp đỡ gần 300.000 nạn nhân chất độc da cam cải thiện đời sống sức khỏe và vật chất.

Trong đó, quỹ đã bảo trợ thường xuyên cho 4.258 nạn nhân; cấp vốn sản xuất cho gần 4.700 hộ gia đình nạn nhân; khám chữa bệnh cho gần 100.000 nạn nhân; phẫu thuật phục hồi chức năng cho 2.000 nạn nhân...

Liên quan đến nạn nhân chất độc da cam, Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - cho biết, ngày 30/9/2005, Hội sẽ thay mặt các nạn nhân gửi đơn kháng cáo vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam lên Tòa án phúc thẩm lưu động số 2 của Mỹ (trước đó, đơn kiện đã bị Tòa sơ thẩm của phía Mỹ bác bỏ).

Phiên phúc thẩm diễn ra sau ngày 1/3/2006 được nhiều người cho rằng phần nào có lợi hơn cho các nguyên đơn người Việt so với phiên sơ thẩm. Chí ít về thời gian, lần này, các thẩm phán tòa phúc thẩm Mỹ có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu hồ sơ (ba thẩm phán của tòa phúc thẩm có ít nhất 2,5 tháng để xem xét vấn đề toàn diện và khách quan hơn).

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong ngày 9/8, ông Đỗ Xuân Diễn, Phó Chủ tịch Thường trực VAVA, chỉ ra một số thuận lợi khác nữa ở phiên phúc thẩm.

Về dư luận trong nước, đến nay có hơn 12 triệu chữ ký ủng hộ so với con số 7 triệu lúc khởi kiện. Nhiều tổ chức quốc tế và các tổ chức hữu nghị với Việt Nam tăng cường các hoạt động ủng hộ các nạn nhân trong vụ kiện.

Đích thân ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt, còn vận động lấy được chữ ký của 23 nghị sỹ thuộc Hạ viện Anh cho bản kiến nghị gửi đến Liên Hợp Quốc và các chính khách như Tổng thống Mỹ G.Bush, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc K.Annan, cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton, và cựu Tổng thống Nam Phi N.Maldela.

Bản kiến nghị nêu ý tưởng thành lập trung tâm thông tin quốc tế về các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và, đặc biệt, nêu đề nghị lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày nạn nhân của các loại vũ khí hóa học trên thế giới.

Then chốt là các chứng cứ khoa học. Được biết, bên nguyên củng cố thêm các chứng cứ có sức thuyết phục về hậu quả của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải ở Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học từ các nước Mỹ, Đức, Nga, Canada, Nhật, Pháp, v.v..., sẽ tham gia làm sáng tỏ bằng chứng về ảnh hưởng của chất độc da cam của Mỹ ở Việt Nam.

Theo luật sư Lê Đức Tiết, một trong những người đầu tiên đặt vấn đề khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ ra tòa từ năm 1986, phán quyết ở phiên sơ thẩm của thẩm phán J.Weinstein không phải là dấu chấm hết cho vụ kiện.

Chính thẩm phán J.Weinstein, vì không tin chắc vào sự đúng đắn trong quyết định của mình, có ghi vào phán quyết: “Nếu Tòa phúc thẩm lưu động số 2 đảo được quyết định bác bỏ trên cơ sở đã được đề cập trong văn bản này, tòa sẽ chấp nhận cho tiến hành điều tra phát hiện những vấn đề bệnh chứng dịch tễ học nói chung và sức khỏe cá nhân trước khi giải quyết vấn đề”.  

MỚI - NÓNG