Đề nghị làm rõ động cơ nhận tiền làm sai lệch kết quả thi

TPO - “Các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho hay.

Sáng 3/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13, vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua được nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp nêu ra là tình trạng lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, bán hàng online... vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả.

Đề nghị làm rõ động cơ nhận tiền làm sai lệch kết quả thi ảnh 1 Phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Uỷ ban Tư pháp.

Trong đó, nổi lên hiện tượng một số đối tượng có tiền án, tiền sự đã sử dụng mạng xã hội để đăng nhiều video cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn, bạo lực, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nhận thức xã hội, nhất là giới trẻ. Điển hình như vụ Ngô Bá Khá tức “Khá Bảnh” trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh bị khởi tố về hành vi Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc; vụ Đỗ Văn Quang tức “Quang Rambo”, trú tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cùng 4 đồng phạm bị khởi tố về tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”.

“Điều này cho thấy, công tác quản lý mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet vẫn còn nhiều bất cập”, đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đánh giá.

Cùng với đó, công tác quản lý người nước ngoài, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, nhiều đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn nước ta để phạm tội lừa đảo; tổ chức đánh bạc qua mạng, có vụ đông tới hàng trăm người, mua bán, vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn. Trong đó có vụ 395 người Trung Quốc điều hành nhiều website tổ chức cho công dân Trung Quốc đánh bạc trực tuyến qua mạng Internet (có máy chủ đặt tại nước ngoài) tại khu đô thị Our City, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù các cơ quan đã có nhiều cố gắng nhưng kết qua phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế.

Đáng lưu ý, vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng16 gây bức xúc trong nhân dân và công luận. Điển hình như vụ một số cán bộ Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận hối lộ. Vụ 5 cán bộ của Thanh tra nhà nước tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ. Tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ.

Ngoài ra, việc sử dụng mạng viễn thông, mạng internet để đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bán hàng đa cấp trái pháp luật...vẫn diễn ra tràn lan nhưng số vụ việc bị phát hiện và xử lý chưa nhiều.

“Các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi”, ông Pha cho hay.

Trước tình hình trên, nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ sớm khắc phục những hạn chế đã nêu trong báo cáo thẩm tra; tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin...

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý đối với người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại nước ta. Kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật để xử lý.

MỚI - NÓNG