Đề nghị giám sát vụ án oan Bắc Giang

TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều 11/11, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Uỷ ban tư pháp của Quốc hội cho biết “cần giám sát vụ án oan tại Bắc Giang và một số vụ án có dấu hiệu oan sai khác”.

> 6 điều tra viên cùng phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn
> Ai sẽ bồi thường cho người thụ án oan?

“Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn cần được giám sát bởi một cơ quan độc lập, chứ không phải những cơ quan tố tụng hiện nay” - ĐB Đương nói.

Phải làm rõ có ép cung không?

Trong vụ án này ông Chấn có bằng chứng ngoại phạm, nhưng có vẻ như đã không được xem xét?

Bây giờ nói như thế là võ đoán, sau này tôi cho rằng để mà nói cho chính xác thì phải giám sát lại vụ này, để xem vì sao mà lại bị oan, oan ở khâu nào và ai là người làm oan đầu tiên, phân hóa trách nhiệm ra. Theo tôi, những vụ án nghiêm trọng, phức tạp và gây bức xúc trong dư luận như vậy thì phải có sự giám sát cụ thể.

Vấn đề là phải làm rõ quá trình điều tra trước đây có ép cung hay không, thưa ông?

Theo tôi thì cần có một cơ quan giám sát, cụ thể Ủy ban Tư pháp sẽ giám sát chẳng hạn. Anh phải giám sát, xong phải rút hồ sơ lên. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi đang bận họp Quốc hội. Nhưng chúng tôi sẽ vào cuộc giám sát tư pháp, chứ còn việc này để “người trong cuộc” làm thì khó.

Theo cá nhân tôi thì không chỉ vụ án oan 10 năm của ông Chấn mà còn các vụ án oan sai cũng cần phải rút một số hồ sơ để giám sát. Ngoài ra, những vụ đặc biệt nghiêm trọng, bỏ lọt tội phạm hoặc tham nhũng và những vụ lớn đặc biệt lớn được dư luận xã hội quan tâm cũng cần phải rút hồ sơ để giám sát, từ đó mới giải quyết được tình trạng trên.

Minh oan và bồi thường thế nào?

Sau khi ông Chấn được minh oan, việc bồi thường cho ông Chấn sẽ thực hiện như thế nào?

Thứ nhất ông ấy sẽ được minh oan. Thứ hai ông ấy sẽ được bồi thường thiệt hại và được khôi phục danh dự. Bồi thường thiệt hại không phải chỉ là bồi thường hơn 3.600 ngày giam giữ quy ra tiền là bao nhiêu (một ngày ngồi tù được bồi thường bằng 3 ngày lương tối thiểu), mà còn phải cộng thêm những tổn thất về mặt tinh thần, thu nhập thực tế bị mất, rồi gia đình ông ấy có vấn đề bị tổn thất liên quan đến vụ việc này như đi kiện tụng hết bao nhiêu tiền, con gái bỏ học, vợ con ly tán, chồng phải xa vợ. Những khoản này trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có đầy đủ và quy định rất rõ.

Bây giờ điều quan trọng là xác định đúng ông Chấn oan thì phải minh oan, rửa sạch tội cho ông ấy và làm đủ các thủ tục công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai và khôi phục danh dự cho ông Chấn vì ông ấy không phạm tội mà chính là Lý Nguyễn Chung giết người.

Cảm ơn ông.

Ông Chấn chưa nhận được bản án tái thẩm

Sáng 11/11, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết vẫn chưa nhận được bản án tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Ông Chấn cũng cho biết thêm, đã có một số đơn vị, cá nhân đến thăm, động viên gia đình, hỗ trợ gia đình ông khoảng 20 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Linh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) và ông Ngô Sách Thực (Chủ tịch MTTQ tỉnh) đã đến nhà thăm, tặng quà gia đình.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo:

Có thể khởi tố vụ án ép cung

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định như trên, khi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 11/11, về vụ án oan tại Bắc Giang.

TS Thảo cho biết, nếu đúng như ông Nguyễn Thanh Chấn đã tố cáo là bị ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp điều tra sẽ phải chịu trách nhiệm. Bây giờ có thể phải khởi tố một vụ án mới. Khi được hỏi: “Trong trường hợp này các điều tra viên đã phủ nhận việc bức cung, nhục hình ông Chấn. Vậy làm thế nào để chứng minh được ai đúng, ai sai?”, TS Đinh Xuân Thảo cho biết, Luật quy định điều tra việc này không phải là công an mà là Viện KSNDTC, nếu ông Chấn đưa ra bằng chứng để khẳng định được thì ông Chấn đúng còn những điều tra viên sai. “Sẽ có cách để tìm ra sự thật, có điều là muốn làm hay không thôi”- TS Thảo nói. Theo TS Đinh Xuân Thảo, để Viện KSNDTC dễ làm việc thì nên khởi tố vụ án sớm để có kết luận.

Theo Báo giấy