Đề nghị giảm "án" phạt giám sát đặc biệt với VietJet

TPO - Ngày 16/7, Cục Hàng không công bố kết quả sơ bộ chương trình giám sát đặc biệt với Hãng Hàng không VietJet sau sự cố bay nhầm đến Cam Ranh thay vì Đà Lạt.

Ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát cho biết: Chương trình giám sát bắt đầu từ 26/6 đến nay đã kéo dài hơn 2 tuần với sự tham gia của 10 cán bộ của Cục.

Thứ nhất, đoàn giám sát toàn bộ công tác tổ chức, hệ thống tài liệu của VietJet bao gồm hợp đồng cung cấp dịch vụ, tài liệu hướng dẫn, bảo dưỡng, đạo tạo và quy trình phối hợp giữa các phòng ban trong công ty và đơn vị bên ngoài. Thứ 2 là giám sát thực địa trên hơn 145 chuyến bay của hãng về, các công tác an ninh, an toàn, kỹ thuật tàu bay. Thứ 3 là giám sát trên các chuyến bay có giám sát viên đi cùng, giám sát tại buồng lái, khoang hành khách và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bay, chất lượng dịch vụ trên tàu bay, phục vụ hành khách. Thứ 4 là giám sát công tác kiểm sát điều hành bay tại Văn phòng chính của VietJet.

Kết quả Cục Hàng không đưa ra cho thấy, VietJet cơ bản đảm bảo quy trình an toàn, an ninh hàng không. Các tài liệu hướng dẫn đã theo tiêu chuẩn và đã được bổ sung thêm so với thực tiễn khai thác. Các vấn đề về tổ chức khai thác, chỉ định an toàn chất lượng đúng theo quy định của Cục Hàng không. Chất lượng dịch vụ hàng không đảm bảo cho hành khách. Nguồn nhân lực của VietJet được bổ sung, đáp ứng tốt nhu cầu cho việc khai thác 15 tàu bay; công tác đào tạo, dự phòng tốt. Tổng số phi công của hãng hơn 130 người, 240 tiếp viên; bình quân 4,8 tổ bay/ máy bay.

Đội ngũ kỹ thuật hơn 48 nhân viên được cấp chứng chỉ đầy đủ và có sự hỗ trợ của các tập đoàn hàng không quốc tế như Airbus hãng sản xuất động cơ CFM, Lufthansa Technic, Singapor Enggeneeging. Các Hợp đồng dịch vụ mặt đất, bảo dưỡng kỹ thuật, cung cấp xăng dầu cũng được Cục rà soát và đánh giá đảm bảo yêu cầu khai thác.

Về chậm hủy chuyến, đoàn giám sát trực tiếp hơn 53 chuyến bay của hãng trong công tác quay đầu tàu bay. Cụ thể, công tác kỹ thuật tàu bay, bảo dưỡng đảm bảo và thao tác tổ bay đạt 30 phút. Tuy nhiên, do công tác xếp khách lên và đưa khách xuống máy bay chậm nên thời gian quay đầu trung bình lên đến 39 phút. Ông Tấn cho rằng, nguyên nhân là do dịch vụ mặt đất, sự phối hợp hãng với các cảng hàng không và công ty dịch vụ mặt đất.

Ông Tấn thông báo, đoàn đã cùng với VietJet khắc phục ngay hết 90% các vấn đề. Một số tồn tại sẽ hoàn thành xong trước 30/7/2014. Căn cứ kết quả, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo kết quả cho Cục Hàng không và đề xuất Bộ GTVT xem xét rút ngắn thời gian giám sát và chuyển sang giám sát định kỳ. Ông Tấn cho biết, việc rút ngắn thời gian giám sát đặc biệt cũng nhằm đảm bảo phần công việc ở Cục của các thành viên đoàn thanh tra, tránh tình trạng “be chỗ này, hở chỗ kia”.

Trả lời Tiền phong, ông Tấn cho rằng, quy trình phối hợp giữa Cục Hàng không và các hãng cũng đã được thay đổi, Cục sẽ làm tốt vai trò “bọc lót” cho hãng nếu xảy ra sự cố để đảm bảo cho hành khách yên tâm.

Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành của VietJet cho biết, trong thời gian giám sát đã tuân thủ các kế hoạch của Cục Hàng không. “Chúng tôi xin cảm ơn Cục Hàng không, coi đây là cơ hội để phát triển. Các quy trình hoạt động của chúng tôi tiệm cận với tiêu chuẩn thế giới nên chúng tôi chắc chắn sẽ làm được”.

Ông Khánh cũng nói lại về cam kết phấn đấu chậm hủy chuyến trong cuộc họp với Bộ GTVT hôm 11/7. Tại cuộc họp, ông Khánh cam kết, VietJet sẽ có tỷ lệ chuyến bay đúng giờ vào tháng 9 là 95% (tỷ lệ mà các chuyên gia hàng không đánh giá rất ít hãng hàng không đạt được). Nay, ông Khánh “nói lại cho rõ”: Hãng sẽ cố gắng khắc phục 95% các nguyên nhân chủ quan; không tính các nguyên nhân khách quan do thời tiết, chim thú tại sân bay. Tổng số chuyến bay đúng giờ (kể cả chủ quan và khách quan) mà đại diện hãng này cam kết lại là 85%.

MỚI - NÓNG