Đề nghị đóng cửa làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng

TP - Ngày 7-11, QH thảo luận về Báo cáo giám sát thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các Khu kinh tế, làng nghề (KKT-LN).
Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến

> Tổn thọ 10 năm vì ô nhiễm

Trước thực trạng nhiều KKT-LN đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, các ĐB đề nghị tăng mức xử phạt, thậm chí có nơi phải cấm hoạt động.

Xử lý khó khăn

Theo Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng, cả nước hiện có gần 4.600 làng nghề (LN), trong đó hơn 1.300 LN được công nhận và hơn 3.200 làng có nghề, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu hút khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đang đặt ra là vấn đề ô nhiễm môi trường. Các kết quả quan trắc cho thấy, mức độ ô nhiễm của nhiều LN không giảm mà còn có xu hướng gia tăng. Chất thải rắn ở hầu hết LN chưa được thu gom và xử lý triệt để, nhiều nơi xả thải bừa bãi gây tác động xấu tới cảnh quan, ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

“Vấn đề ô nhiễm ở nhiều LN tồn tại từ lâu nhưng chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả, dẫn đến ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, của cộng đồng dân cư”- Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH nêu.

“Cần lưu ý rằng, việc xử lý ô nhiễm môi trường LN không những khó khăn mà còn rất nhạy cảm, có LN phải cấm hoạt động do ô nhiễm môi trường đã kéo theo các hệ lụy khác như tình hình an ninh xã hội xảy ra nghiêm trọng hơn”- Ông Dũng cho biết.

Ủy ban Thường vụ QH đề nghị ngay trong kỳ họp này QH ra Nghị quyết về giám sát môi trường tại KKT, LN.

Công nghệ quá lạc hậu

“Vì sao ô nhiễm LN ngày càng nghiêm trọng hơn?”- ĐB Bùi Thị An, Hà Nội nêu vấn đề. Bà An bày tỏ, ai đã từng qua làng giấy Phong Khê thì thấy, nước thải ra thậm chí keo đặc lại có thể đi lên đó; qua Đa Hội (sản xuất thép), làng gỗ ở Đồng Kỵ, La Xuyên đều thừa nhận sự ô nhiễm LN đang rất nghiêm trọng.

“Nhận thức về giá của sự phát triển kinh tế bền vững tại nước ta chưa được quán triệt ở tất cả các cấp, kể cả nhân dân và lãnh đạo. Chúng ta chưa thấy rằng, tăng được GDP, tăng được lợi nhuận trước mắt nhưng hiểm họa lâu dài của ô nhiễm môi trường là mối nguy”- Bà An nói. Theo đại biểu này, công nghệ trong LN rất lạc hậu. Về Đa Hội, có người nước ngoài đã nói ngay, công nghệ sản xuất thép ở đây từ thế kỷ 17.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) lo ngại một số nơi LN là trá hình sản xuất công nghiệp để trốn thuế, trong khi việc xử lý ô nhiễm làng nghề không tốt. “Tại Thừa Thiên- Huế đã cho dừng một số làng nghề gây ô nhiễm, nhưng ở Hà Nội lại không làm được, ví như ô nhiễm tại LN Dương Liễu”- Ông Tiên nói.

Tăng mức phạt

Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới “Việt Nam có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên đến 5,5% GDP trong 1 năm”, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường tại các KKT-LN, phải tăng kinh phí môi trường lên 2% GDP thay vì 1% hiện nay. Đề nghị bổ sung trong kế hoạch 2011-2015, có Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường, trong đó xử lý môi trường ở các LN.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; công khai thông tin, số liệu và doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên phương tiện thông tin đại chúng.

ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) kiến nghị, tăng mức phạt đối với những hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường. “Phải kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần”, ĐB Lâm nói.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, chúng ta chưa đánh giá hết vị trí, vai trò các làng nghề trong mấy chục năm qua. Vấn đề quan tâm là phát triển LN bền vững.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình QH xem xét, quyết định.

Đã thanh tra môi trường hơn 1.600 doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến.

Trao đổi với báo chí bên lề QH, Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến cho biết, lực lượng thanh tra môi trường gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện sai phạm của doanh nghiệp.

Theo ông Tuyến, hằng năm Bộ TN-MT đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc. Tuy nhiên việc thanh tra nhiều hay ít còn phụ thuộc vào ngân sách được phê duyệt. Từ 2008 đến nay đã thanh tra 1.622 doanh nghiệp.

Quản lý làng nghề trước đây giao cho Bộ NN&PTNT. Tất cả các văn bản về làng nghề từ trước đến nay là do Bộ NN&PTNT xây dựng. Gần đây Bộ NN&PTNT mới có đề xuất Bộ TN-MT điều tra, đánh giá lại về môi trường làng nghề. Việc này đang được tiến hành.

Hà Nhân (ghi)

Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến.
Theo Báo giấy