Sáng 22/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận T.Ư tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.
Trong tham luận gửi tới hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu thực trạng và những vấn đề đặt ra trong việc phát triển nhà ở của công nhân.
Theo ông Sinh, để đảm bảo nhà ở, chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, trong đó có công nhân khu công nghiệp, Luật Nhà ở 2023 đã sửa đổi căn bản các quy định liên quan đến chính sách nhà ở xã hội; bổ sung chính sách riêng để phát triển nhà lưu trú cho công nhân, trong đó coi nhà lưu trú công nhân là một hạ tầng thiết yếu của các khu công nghiệp.
Luật Nhà ở đồng thời cũng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê; các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú bố trí cho công nhân ở.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh |
Tuy nhiên, ông Sinh cũng nêu ra một số bất cập, hạn chế trong việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, như các địa phương chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Các địa phương cũng chưa giao nhiệm vụ cụ thể, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện bằng được các chỉ tiêu của Đề án.
Nhiều nơi, chính quyền địa phương cũng chưa xác định rõ nhu cầu về đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân làm cơ sở quy hoạch bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Nhiều quỹ đất nhà ở xã hội chưa được triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.
Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng...
Để đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Cùng với đó, các địa phương cần khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội đáp ứng cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Trong quá trình quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí tối thiểu 20% quỹ đất thương mại, dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú công nhân.
Về nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng để công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh.