Dễ làm, khó bỏ...

TP - Từ nay đến cuối năm, tính bình quân mỗi ngày làm việc, cán bộ thuế trên cả nước sẽ phải thu khoảng 4.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương. Một số tiền không nhỏ, áp lực cũng rất lớn.

Việc dễ thì tập trung làm, việc khó thì bỏ qua là ý kiến của nhiều chuyên gia, người dân khi bàn về việc vì sao nhiều năm qua ngành thuế luôn than khó trong việc tìm nguồn tăng thu cho ngân sách mà không phải dùng đến biện pháp liên tục tăng thuế đánh vào người dân. 

Cũng không phải vô cớ khi đưa ra ý kiến trên khi thực tế cho thấy, tại nhiều diễn đàn, việc lãnh đạo ngành thuế nhiều năm liên tục vẫn lặp lại điệp khúc kêu gặp khó trong công tác chống chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI nói chung hay các tập đoàn toàn cầu nói riêng tại Việt Nam.

Lý do thì vô cùng và vấn đề đặt ra nhiều năm trước đến nay vẫn vô tư được nhắc lại. Không có chuyện hàng loạt doanh nghiệp FDI trong danh sách nghi án đó phải cúi đầu nhận tội trước những bằng chứng của ngành thuế.

Là ngành nắm rõ sức khỏe của doanh nghiệp nhất nhưng việc toàn ngành để nợ đọng thuế lên tới 80.100 tỷ đồng, trong đó gần 34.000 tỷ đồng nợ không có khả năng thu hồi cũng là điều cần suy ngẫm. Xét về trách nhiệm, ngành thuế như vậy chưa tròn vai với Nhà nước.

Câu chuyện cán bộ ngành thuế vòi vĩnh, tham nhũng vặt luôn được nhắc đến nhiều trên báo chí và cả tại các hội nghị của ngành. Tham nhũng vặt của cán bộ thuế trở thành nỗi ám ảnh với doanh nghiệp, người dân. Vấn đề con người và chấn chỉnh hoạt động của ngành thuế là câu chuyện còn nói  dài.

Không ít cán bộ trong ngành tài chính cũng thừa nhận chỉ cần cán bộ ngành thuế bỏ thói “ăn chia cá nhân”, bắt tay chia chác với doanh nghiệp khi phát hiện các sai phạm về tài chính, thu đúng, thu đủ với các hộ kinh doanh thuế khoán trên toàn quốc. Con số hàng chục nghìn tỷ đồng bổ sung cho ngân sách hoàn toàn có thể thực hiện được.

Ðiểm dễ nhận thấy của ngành thuế là năm nào cũng có chuyện kêu khó khăn nhưng đến cuối năm thì số thuế thực thu gần như năm nào cũng vượt dự toán. Câu chuyện ngành thuế được khen thưởng vì những nỗ lực và ghi điểm vào phút chót cũng được nhắc đến. Nhưng mặt trái khác ít người nhắc tới đó là việc quản lý thuế và đánh giá mức độ tuân thủ thuế cũng như mức độ thất thoát nguồn thu thuế ở Việt Nam đến nay như thế nào.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, với quy mô khu vực kinh tế phi chính thức từ 17,6% GDP đến 35,7% GDP thì mức độ thất thoát nguồn thu thuế tương ứng từ 3,5% GDP đến 6,1% GDP. Tương tự, tương ứng với mức độ tham nhũng từ thấp đến cao thì số thất thoát thuế từ hơn 0,2% GDP đến gần 2% GDP. Một con số thất thoát khổng lồ nếu được tính toán đầy đủ.

MỚI - NÓNG