Để không lỡ nhịp phục hồi, tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Năm 2021, chúng ta phải đóng cửa nền kinh tế vì khi đó gần như “trắng" vắc xin nhưng đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 6 nước có độ phủ vắc xin cao nhất thế giới. Khi có độ phủ vắc xin tốt, đó là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta chung sống an toàn với dịch COVID-19”, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ với PV Tiền Phong.

Tự tin mở cửa nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 01, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào công việc, nhanh chóng mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông, hoạt động nào cần được ưu tiên mở cửa trước?

Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng mở cửa cũng phải xét đến những ngành, lĩnh vực ít có nguy cơ tạo ra rủi ro về dịch bệnh. Các hoạt động sản xuất, người nông dân, công nhân đều đã tiêm vắc xin, thực hiện 5K… đều có thể mở cửa.

Về du lịch, chúng ta có thể mở cửa đón du khách, nhưng phải kèm theo điều kiện như đã tiêm vắc xin, không mắc bệnh… Hay các lĩnh vực dịch vụ có tính chất nhạy cảm như karaoke, vũ trường, khi mở cửa, phải kiểm soát, xem đã tiêm vắc xin hay chưa. Theo tôi, hầu hết các lĩnh vực đều có thể mở cửa, nhưng phải kèm theo điều kiện tiêm vắc xin, thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn…

Từ việc bao phủ vắc xin cùng nhiều giải pháp phòng dịch được đưa ra, liệu chúng ta có hoàn toàn tự tin, đủ cơ sở để mở cửa trở lại, theo ông?

Việc đóng cửa nền kinh tế để phòng chống dịch đã làm cho nền kinh tế suy giảm trầm trọng. Điều này đã được chứng minh không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Điểm qua một vài con số có thể thấy, năm 2020, kinh tế thế giới đã lao dốc âm tới 6%, trong khi Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng GDP với 2,9% do mức độ đóng cửa ít, không phong tỏa chặt như một số nước. Tuy nhiên, sang năm 2021, khi Việt Nam đóng cửa chặt ở một số tỉnh, thành phố thì nền kinh tế rơi rất mạnh, từ dương 6% trong quý II đến âm 6% quý III/2021.

Và đến nay, trên thế giới có xu hướng rất rõ là mở cửa. Rất nhiều nước đã xác định sống chung an toàn vì người dân đã được tiêm vắc xin phòng COVID -19. Năm 2021, chúng ta phải đóng cửa vì khi đó gần như “trắng” vắc xin, tỷ lệ tiêm rất thấp, nhưng đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 6 nước có độ phủ vắc xin cao nhất thế giới.

Khi có độ phủ vắc xin tốt, đó là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta chung sống an toàn với dịch. Bên cạnh đó, chúng ta còn có lợi thế là ý thức của người dân trong phòng chống dịch đã tốt hơn khi đều tuân thủ các biện pháp như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang… Ý thức phòng dịch tốt, cộng với vũ khí vắc xin, rõ ràng chúng ta có điều kiện để tự tin mở cửa nền kinh tế và mở cửa lúc này là tất yếu.

Vì sao việc mở cửa lúc này lại là yêu cầu tất yếu, cấp bách?

Có thể thấy, nền kinh tế thế giới đang có sự phục hồi, hầu hết các nước đang mở cửa trở lại. Nếu không mở cửa, Việt Nam sẽ lỡ nhịp phục hồi, tăng trưởng suy giảm, bởi vì Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, hoạt động kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới. Nếu không mở cửa, không theo kịp yêu cầu, không cung cấp các kết nối hàng hóa, chúng ta sẽ mất bạn hàng, mất thị trường, mất cơ hội thu hút đầu tư.

Nếu không mở cửa, ngay lập tức, toàn bộ hoạt động kinh tế Việt Nam sẽ tách ra khỏi vòng quay phát triển của thế giới, trong khi rất nhiều tiềm năng kinh tế ở Việt Nam đòi hỏi phải có kết nối, mở cửa. Điển hình như ngành du lịch, 2 năm qua gần như đóng cửa hoàn toàn. Nếu phát triển tốt hoạt động du lịch kết hợp với ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, hạ tầng thông tin tốt, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ, thành các “văn phòng di động” của thế giới.

Lấy kết quả đầu ra làm thước đo đánh giá

Làm thế nào để vừa chung sống an toàn với dịch, vừa mở cửa nền kinh tế bền vững, theo ông?

Để đạt được hai mục tiêu này, chúng ta phải có các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trên cơ sở đầu tư trang thiết bị cho phòng chống dịch. Đây không phải vấn đề lớn nhưng cần phải được quan tâm rộng khắp, thường xuyên. Bên cạnh đó, phải có đủ vắc xin tiêm phòng cho người dân và đủ thuốc điều trị. Điều quan trọng hơn, theo tôi, phải đưa ra các chỉ báo về kiểm soát để đánh giá mức độ dịch bệnh.

“Mở cửa trường học không chỉ giải phóng sức lao động cho phụ huynh mà quan trọng nhất là chất lượng giáo dục, đào tạo, giảng dạy. Nếu cứ học online thì chất lượng thế nào? Rõ ràng khi mở cửa trường học sẽ giúp chúng ta cải thiện chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, việc mở cửa trường học sẽ không giống như trước kia, nên có thể phải kết hợp giữa trực tuyến và online, chứ không thể 100% đến lớp được”.GS Hoàng Văn Cường.

Để không lỡ nhịp phục hồi, tăng trưởng ảnh 1

Tôi lấy ví dụ, trước đây chúng ta coi trọng việc phát hiện kịp thời F0 và truy vết, thì hiện nay F0 có phải vấn đề nữa hay không, vì nhiều người mắc bệnh vẫn bình thường, chỉ khi đi test mới phát hiện ra. Có lẽ đến giờ chúng ta chỉ cần quan tâm đến những ca nặng, phải nhập viện; còn việc truy vết F1 cũng không còn ý nghĩa nữa. Tuy nhiên, khi thay đổi các chỉ báo phòng chống dịch cũng không được chủ quan, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Để mở cửa lại hiệu quả, theo ông, các địa phương có phải “mở cửa” tư duy chống dịch?

Để tránh tình trạng cục bộ địa phương, trước hết, ngành Y tế phải đưa ra các chỉ báo phù hợp. Tình trạng dịch bệnh cần căn cứ vào cái gì? Có nên coi trọng việc xác định số lượng F0 nữa hay không khi nhiều F0 hầu như không có triệu chứng? Phải chăng, lúc này chỉ cần tính đến số người chuyển nặng nhập viện. Bên cạnh đó, phải xác định vai trò quản lý ngành trên toàn quốc. Chẳng hạn, ngành Y tế đưa ra biện pháp phòng chống dịch như thế nào, hay ngành giao thông vận tải quy định phương tiện di chuyển ra sao, địa phương phải tuân thủ. Như vậy, vai trò chỉ đạo thống nhất từng ngành trên cả nước phải tăng lên, tránh tình trạng địa phương tự đặt thêm các quy định.

Thực tế xung đột giữa kiểm soát dịch bệnh và mở cửa cho các hoạt động thường diễn ra. Nếu kiểm soát chặt sẽ không xảy ra tình trạng dịch bệnh bùng phát. Khi đó trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ nhẹ gánh, nhưng doanh nghiệp, đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Khi mở cửa, các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng phục hồi và đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải chịu gánh nặng nhiều hơn khi dịch có thể bùng phát.

Cho nên, chúng ta phải làm sao dung hòa được lợi ích và trách nhiệm. Muốn vậy phải thay đổi cách đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các địa phương. Qua đó, có thể cân nhắc, đưa thêm điều kiện là có đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp hay không? Có giúp cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi hay không? Tức là chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý sang phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; lấy chỉ tiêu kết quả đầu ra làm thước đo đánh giá hiệu quả, kết quả hoạt động của cơ quan quản lý.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.