Để học sinh được vui chơi dịp Tết

TPO - Nhiều giáo viên, hiệu trưởng cho rằng, giao nhiều bài tập thì thực tế cũng không hiệu quả trong một kì nghỉ. Nên khuyến khích và hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc nếu có thời gian.

Tranh luận trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh mong muốn giáo viên không giao bài tập để con được thoải mái vui chơi đón tết, nhưng cũng có không ít người ủng hộ quan điểm phải có bài tập để các con không quên kiến thức.

Chỉ còn ít ngày nữa, học sinh sẽ được nghỉ để đón Tết Nguyên đán. Theo kế hoạch đã được công bố của các địa phương, nhiều nơi cho học sinh nghỉ Tết kéo dài từ 12-14 ngày. Các địa phương nghỉ ít ngày như Hà Nội (8 ngày),…

Thời điểm này, nhiều phụ huynh băn khoăn, dịp Tết các giáo viên, nhà trường có giao bài tập về nhà cho học sinh hay không. Thậm chí, trên các diễn đàn, vấn đề này còn gây tranh cãi gay gắt. Trong đó, có nhiều người mong muốn giáo viên không giao bài tập để con được thoải mái vui chơi đón Tết sau một học kỳ học tập căng thẳng. Tuy nhiên, cũng có không ít người ủng hộ quan điểm phải có bài tập để các con không quên kiến thức.

Ông Nguyễn Quang Tùng là Hiệu trưởng Trường THPT M.V.Lômônôxốp cho biết, nhà trường đã thông báo tới các Bộ môn chỉ giao nhiệm vụ nhẹ nhàng, phù hợp với thời gian nghỉ Tết âm lịch của học sinh của Hà Nội năm nay.

Cũng theo ông Tùng, nếu giáo viên giao nhiều bài tập thì thực tế cũng không hiệu quả trong một kì nghỉ. Nên khuyến khích và hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc nếu có thời gian.

Việc giao bài tập trong kì nghỉ Tết nên chăng là những câu gợi mở, hiểu về Tết truyền thống của Việt Nam còn hơn giao bài tập trong sách giáo khoa?

Về vấn đề này, ông Tùng cho rằng, cũng nên tùy đối tượng học sinh. Khối tiểu học và THCS thì là hợp lý nhưng khối trung học phổ thông thì câu hỏi có thể mở rộng ra cả thế giới.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho rằng, nhà trường đã quán triệt tới tất cả giáo viên chủ động có thể giao bài tập dịp Tết. Thực ra có môn có thể không cho bài tập, có môn cho một ít để học sinh nhớ bài mà thôi chứ không phải cho cả tập bài để bắt học sinh về làm.

“Học sinh có thể vừa vui chơi vừa sắp xếp dành một ít thời gian trong ngày để đọc sách, xem bài nếu thích. Tôi nghĩ rằng để các em tự đọc sách, tự nghiên cứu bài thì tốt hơn là chỉ giao bài tập về nhà trong sách giáo khoa”- bà Dung nói.

Cũng theo cô Đỗ Thanh Bình, giáo viên dạy Hóa- Sinh của một trường THCS Chương Mỹ, Hà Nội cho rằng, cô không cho học sinh bài tập trong dịp Tết Nguyên đán này. Sở dĩ như vậy vì cô Bình cho rằng, năm nay Tết đến sớm hơn mọi năm, học sinh vừa thi học kì xong, lượng kiến thức ở kì 2 chưa có gì.

“Tết Nguyên đán học sinh chỉ được nghỉ ít ngày không nên lo lắng về chuyện các em quên kiến thức. Giáo viên có thể đưa ra yêu cầu về học sinh đọc sách, tìm hiểu vấn đề về văn hóa thì có khi lại tốt hơn việc giao bài tập về nhà”- cô Bình chia sẻ.

Cũng theo cô Bình, dịp này, học sinh cần được thoải mái đi du xuân, đi thăm hỏi, trò chuyện với người thân trong gia đình để gắn kết tình thân cũng như hiểu biết hơn về văn hoá.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ, lâu nay đối với học sinh tiểu học, Bộ GD&ĐT không có chủ trương giao bài tập về nhà.

Thực tế hiện nay, học sinh đã học 2 buổi/ngày ở lớp. Do đó, từ kiến thức mới, bài tập cô trò có thể giải quyết hết ở trường. Buổi tối về nhà, các em có thể dành ra một thời gian để chuẩn bị bài mới hoặc tự ôn lại kiến thức cũ.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, riêng dịp Tết các nhà trường cũng đã được yêu cầu không giao bài tập về nhà để học sinh được thoải mái tinh thần vui chơi, đón tết.

Hãy để kì nghỉ là dịp gắn kết tình thân trong gia đình

Nhiều phụ huynh cho rằng, ở dịp Tết này nên chăng cho học sinh cần được thoải mái đi du xuân, đi thăm hỏi, trò chuyện với người thân trong gia đình để gắn kết tình thân cũng như hiểu biết hơn về văn hoá.

Chị Huy Thị Chính, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) có 2 con hiện đang học lớp 2 và lớp 5 cho biết, năm nay sẽ về quê ở Nghệ An đón tết với nhà ngoại. Hai con của chị đều ở cấp tiểu học nên tôi ủng hộ việc nhà trường không cho bài tập về nhà.

"Nếu giáo viên giao nhiều bài tập thì thực tế cũng không hiệu quả trong một kì nghỉ. Nên khuyến khích và hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc nếu có thời gian"- Ông Nguyễn Quang Tùng là Hiệu trưởng Trường THPT M.V.Lômônôxốp.

.

“Nhiều sẽ mang cả sách vở về quê để tranh thủ ôn bài. Mình chỉ mong con được nghỉ ngơi được vui chơi rồi vì cả năm cắm mặt vào học, làm gì có thời gian về quê nên dịp Tết này rất cần thiết để con cái được tách hẳn với bài vở, việc học”- chị Chính chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Danh Tuấn có con học lớp 4 cho rằng, năm nay, sau khi dịch COVID-19 mấy năm cả nhà không đi được đâu nên cả tuần nghỉ Tết nguyên đán, cả gia đình anh 29 Tết sẽ bay đi Nha Trang, Đà Nẵng để nghỉ và thăm ông bà nội luôn: "Nếu giáo viên giao thêm bài tập các môn nữa thì những gia đình con không có thời gian để đi chơi để về quê nội. Hãy để cho học sinh vui chơi thoải mái, đúng với ý nghĩa là một dịp để mong sum vầy bên gia đình", anh Tuấn nói.

Anh Nguyễn Văn Minh (Hà Nội) cho rằng, Tết là để học sinh nghỉ ngơi bên gia đình. Tết là cơ hội để dạy các em biết những nét đẹp giá trị truyền thống của gia đình mình như: cúng tiễn đưa ông Công ông Táo (23 tháng chạp), cúng tất niên, đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh tét, bánh chưng, dựng cây nêu ngày tết…

“Từ mấy năm nay, Tết nào tôi cũng cho hai con của tôi trải nghiệm về Tết như vậy. Những điều này giúp các em có trải nghiệm, hiểu về đặc trưng tết cổ truyền của dân tộc ta, nhất là những học sinh thành phố không phải khi nào cũng có cơ hội”- anh Minh nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.