Để học sinh biết tôn trọng và yêu quý lịch sử

Để học sinh biết tôn trọng và yêu quý lịch sử
TPO - Câu thơ Những đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng... của Chính Hữu trong bài "Cầu Long Biên-chứng nhân lịch sử" đã khiến cô trò chúng tôi có cảm giác như quá khứ bi thương và hào hùng của Thủ đô, của dân tộc đang hiện hữu trước mắt.

>> Chủ đầu tư cao ốc tại chợ 19-12 nói gì ?
>> Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi thư cho ông Dương Trung Quốc
>> Giá thuê đất để xây cao ốc chưa đầy 1USD/m2/tháng

Để học sinh biết tôn trọng và yêu quý lịch sử ảnh 1

Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến, cuối 1946. Nguồn ảnh : Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Không còn là một giờ học khô khan nữa, khi dạy cho những HS thân yêu của mình bài này trong chương trình Ngữ văn lớp 6, tôi đã kể cho các em nghe những câu chuyện nhỏ về khoảng thời gian cuối năm 1946 Trung đoàn thủ đô đã chiến đấu anh dũng ra sao để bảo vệ Hà Nội yêu dấu, trong đó có cả sự đóng góp của những căn nhà cũ phố Hàng Gai, Hàng Bông, nơi gia đình các em đang sống.

Và tôi nhắc tới nghĩa trang 19-12 trên phố Lý Thường Kiệt để các em biết trân trọng những mất mát và những chiến công của thế hệ đi trước cho các em có cuộc sống bình yên hôm nay.

Để học sinh biết tôn trọng và yêu quý lịch sử ảnh 2
Ảnh: Phạm Yên

Thế nhưng sau khi tìm tới địa chỉ ấy, các em nói lại với tôi rằng ở đó chỉ có một cái chợ thôi, làm sao các em có thể hình dung bao liệt sĩ vô danh đã ngã xuống để bảo vệ Thủ đô, nếu các em không tận mắt thấy một công trình nào tôn vinh họ.

Tôi không còn biết nói gì hơn, lại đành chỉ kể bằng những gì mình biết về những năm tháng oanh liệt ấy. Nhưng những lời kể rồi cũng sẽ bị quên đi trong bộn bề cuộc sống, vấn đề là làm thế nào để học sinh biết tôn trọng và yêu quý lịch sử thông qua những gì của lịch sử còn lưu giữ được đến hôm nay.

Chợ 19-12 đã giải toả rồi thì cớ gì thành phố không cho xây dựng tại đó một công trình để tưởng niệm một trang sử vẻ vang của Thủ đô, của dân tộc? Chúng ta cứ nói học sinh quay lưng với lịch sử, nhưng thực tế mọi người không hiểu rằng học sinh rất thiết tha với lịch sử, chỉ có điều ta không tạo điều kiện cho chúng tiếp cận với lịch sử đó thôi.

Ngọc Châm (Hà Nội)

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Nhớ "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"

... Cố nhà văn Nguyễn Ðình Thi, một trong số chứng nhân của thời điểm lịch sử trọng đại của nước nhà, nhớ lại trong hồi ức của mình: "...Tôi vẫn nhớ buổi chiều giá rét ngày 19-12-1946 ở Hà Nội. Bóng chiều mùa đông xuống nhanh, các phố quanh Hồ Gươm đã vắng lắm, người đi dạo thưa thớt, vội vã. Thỉnh thoảng rộ lên chiếc xe gíp, loảng xoảng tiếng xích xe hap-tơ-rác của quân Pháp chạy lên chạy xuống dọc đường Trường Thi.

Để học sinh biết tôn trọng và yêu quý lịch sử ảnh 3 "... Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "... Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc (...) Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước", "Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!". Để học sinh biết tôn trọng và yêu quý lịch sử ảnh 4

Trên nhiều ngả đường và ngay đầu phố Tràng Tiền đã mọc lên những chiến lũy thô sơ làm bằng thanh gỗ, thanh sắt, bàn, ghế, giường tủ. Ở các đầu ô dân phố và thanh niên, gái, trai chen chúc đào đường và gánh đất, đắp thêm những ụ chiến đấu lớn".

Trở lại cuộc chiến đấu ở Hà Nội, cố nhà văn Nguyễn Ðình Thi viết: "Súng cũng đã nổ ở khu phố Yên Ninh. Lấy cớ truy đuổi tự vệ, lính Pháp xả súng vào các nhà dân phố, giết hại nhiều người, nhưng không chiếm được nhà máy điện, nhà máy nước, quân Pháp đóng ở trại Cửa Bắc, đã chiếm phủ toàn quyền cũ, Sở tài chính (Nơi Bộ Ngoại giao hiện nay). Mỗi ngày chúng lấn thêm mở rộng khu vực đóng quân".

Vào lúc chiều tối, nhà văn được lệnh rời Hà Nội đến một xóm ở ven sông Tô Lịch đón ông Trần Huy Liệu lên đường. Chiếc xe cơ quan tuyên huấn Trung ương chở hai người đi tới Ngã Tư Sở, nhà văn ngoái nhìn Hà thành ánh sáng đèn kia. Ðột nhiên cái vầng sáng  phố phường  tắt ngấm ánh điện. Bấy giờ là 8 giờ tối.

Tiếp theo đó là tiếng súng máy, súng trường bắt đầu nổ rồi lan rộng nhanh chóng. Tiếng súng càng lúc càng dữ dội làm rung chuyển cả trời đêm... Xe đến thị xã Hà Ðông, nơi đây điện cũng bị cắt. Nhà văn vào cơ quan Trung ương thì đồng chí Trường Chinh đã có mặt. Ðồng chí Trường Chinh và ông Trần Huy Liệu nắm chặt tay nhau như ngầm có lời thề.

Vài phút sau, nhà văn nhận được tờ giấy đánh máy từ tay đồng chí Trường Chinh: "Ðây là lời Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Nhiệm vụ của nhà văn là giao lời kêu gọi của Bác đến Ủy ban kháng chiến Hà Nội để đưa đi in ngay, đồng thời quảng bá trên mọi phương tiện thông tin.

Nhà văn Nguyễn Ðình Thi đến làng Sét tìm đồng chí Thép Mới, người đang phụ trách tờ báo Cứu quốc của mặt trận thủ đô. Trên đường, ông thấy dòng người từ Hà Nội đang cuồn cuộn đổ về. Trong khi đó, ở hai bên đường, dọc theo hàng cây, "hai hàng dài chiến sĩ vệ quốc đoàn, súng cầm tay, lẳng lặng tiến về phía Hà Nội, người nọ cách người kia chừng dăm bước"... "Về tới Ngã Tư Sở, rẽ theo con đường theo sông Tô Lịch, rồi qua cầu đi vào làng Láng. Ánh lửa cháy, ánh pháo sáng từng lúc soi rõ mồn một đường đi...".

Cố nhà văn gặp Chủ tịch Ủy ban Hà Nội Trần Duy Hưng. Không khí làm việc khẩn trương, nhà văn đề nghị đồng chí Chủ tịch cho đánh máy gấp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, rồi xin một bản sao để mang đi.

Bản sao được nhà văn mang đến cho đồng chí Thép Mới để in trên trang nhất của số đầu báo Cứu quốc thủ đô. Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã vang xa trên mọi phương tiện thông tin của ta lúc bấy giờ và được toàn dân, toàn quân hưởng ứng.

Theo Khánh Yên
Nhân Dân

MỚI - NÓNG