Để gió cuốn đi…

Ngọc Vân trở lại buôn Krang tặng hoa người già tặng nhà cho hộ nghèo cô từng cư trú.
Ngọc Vân trở lại buôn Krang tặng hoa người già tặng nhà cho hộ nghèo cô từng cư trú.
TP - Giữa vô số bộn bề lo toan của cuộc sống, dòng chảy thiện lành của tình người nhân hậu nhằm nâng đỡ những phận đời không may vẫn cứ trào dâng mạnh mẽ, lan rộng, khiến xã hội trở nên đẹp đẽ, đáng sống hơn. Cao nguyên Đắk Lắk là một trong những nơi mà dòng chảy trong veo đó luôn cuồn cuộn, nồng ấm.

Gieo mầm thiện, gặt phước lành

Lần đầu tiên đến Tây Nguyên, vào xã nghèo vùng căn cứ Dur Kmăl để thực hiện một trong các dự án Nhân ái của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, nữ sinh đại học Ngoại thương Phùng Bảo Ngọc Vân không ngờ cả gia đình cô (tổ ấm 4 người có tới 3 dược sĩ, là bố mẹ và anh trai của Vân) lập tức bị cao nguyên Đắk Lắk cuốn hút vào các chuỗi hoạt động thiện nguyện trên địa bàn.

Sau khi được xướng tên trong top 10 của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và nhận danh hiệu Người đẹp Truyền thông,  Ngọc Vân trở lại Dur Kmăl cùng toàn bộ giải thưởng và các khoản tiền quyên góp được để xây hẳn một căn nhà mới cho một gia đình cùng khổ mà cô từng có dịp trú qua đêm.  Và, cũng lần đến này cô còn tặng nhiều xe đạp, bàn học, trao học bổng cho trẻ em nghèo vùng sâu. Vẻ đẹp tỏa sáng của thí sinh từng đoạt huy chương Vàng tại Triển lãm Sáng chế kỹ thuật Malaysia 2015, cùng sự trọn vẹn nghĩa tình của cô đã khiến lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk nhất trí mời Ngọc Vân vào vai đại sứ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, năm 2017.

Tìm hiểu về những hoạt động thiết thực của Quỹ Bảo trợ trẻ em nghèo Đắk Lắk, và đợt trao học bổng Đọt Chuối Non cho những học sinh đặc biệt hiếu học, hiếu thảo lần thứ 8 của báo Tiền Phong sắp diễn ra tại Buôn Ma Thuột, bố mẹ Ngọc Vân là ông Phùng Văn Yên, bà Lương Bích Mai nhất trí cùng con gái tiếp tục  trích tiền túi ủng hộ, và vận động quyên góp thêm cho cả 2 chương trình này.

Đêm truyền hình trực tiếp trên sóng DRT (Đài PTTH Đắk Lắk) giữa tháng 10/2016 với chủ đề “Gắn kết yêu thương, vui bước đến trường” do Bộ LĐ-TB & XH phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, bên cạnh những nhà tài trợ lớn của chương trình, còn xuất hiện một thiếu nữ tươi xinh với chiều cao vượt trội giữa đám đông, được giới thiệu là “Người đẹp Hà Nội”- Ngọc Vân.

Những nhà tài trợ lớn nhất của chương trình đến từ nhiều địa chỉ khác nhau: Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM ủng hộ 6,54 tỷ đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hơn 4,8 tỷ; Tổ chức Children Action - Thụy Sỹ hơn 4,7 tỷ; Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk 3,65 tỷ; Công ty Xổ số Kiến thiết Đắk Lắk hơn 2,35 tỷ; Quỹ VinaCapital 1,65 tỷ; Tổ chức Operation Smile Việt Nam hơn 1,1 tỷ v.v... Từ năm 2011 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Đắk Lắk đã vận động được hơn 71 tỷ đồng để triển khai trợ giúp hơn 68 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như tổ chức các đợt phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật, tặng học bổng, xe đạp, xe lăn, tặng cặp phao cứu sinh, xây dựng công trình nước sạch, cụm lớp mầm non, thăm hỏi tặng quà lễ, tết cho hàng vạn trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 57.000 trẻ em có hoàn cảnh không may, trong đó khoảng 4.000 trẻ bị khuyết tật về mắt và vận động, bị bệnh tim bẩm sinh đang rất cần được chia sẻ, giúp đỡ. Do vậy, ngoài nguồn lực của Nhà nước rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Để gió cuốn đi… ảnh 1

Đổi phiếu để nhận Dĩa cơm trên tường tại căng tin BVĐK Đắk Lắk.

Nghe lời đề xuất nghẹn ngào của một cụ bà mong đứa cháu trai mồ côi tội nghiệp của mình được tài trợ phẫu thuật tim lần thứ hai, ngắm ánh mắt lấp lánh vui mừng của các em bé vùng sâu khi được nhận những phần quà giá trị, Ngọc Vân tâm sự: May mắn cho cô cùng gia đình có dịp hiểu sâu sắc dòng chảy thiện nguyện ấm áp tình người trên cao nguyên này, để được sẻ chia cùng những chương trình từ thiện đầy ý nghĩa.

Dĩa cơm trên tường Buôn Ma Thuột

 “Dĩa cơm trên tường” là sáng kiến nhân văn, do một nhóm bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh mô phỏng theo cách của “Ly cà phê trên tường” xuất phát từ Venice, nước Ý. Khách vào quán gọi cho mình một ly cà phê, và một “ly cà phê trên tường”, tức uống một ly, nhưng trả tiền 2 ly cho cả mảnh giấy nhỏ được người phục vụ dán lên tường. Ai muốn dùng cà phê mà không có tiền, vào quán chỉ việc gỡ mảnh giấy nhỏ trên tường đó đưa cho nhân viên. Cả thế giới cảm động vì nghĩa cử ấy.

Câu chuyện lan truyền trên mạng. Một ngày kia, cách Venice thơ mộng hơn 13.000 cây số, tại một quán cà phê bên dòng kênh Nhiêu Lộc, một nhóm bác sĩ, doanh nhân, nhân viên văn phòng cùng ngắm dòng nước đen lững lờ để bàn về việc lập dự án “Dĩa cơm trên tường”, sau này được gọi là “Dĩa cơm trên tường - Sài Gòn” (DCTT SG), kết nối những tấm lòng vàng với những người nghèo. DCTT đến với những người cơ nhỡ thiếu ăn tại các bệnh viện và  nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng.

Một sáng đẹp trời, vài bác sĩ tâm huyết đến từ các bệnh viện khác nhau ở thủ phủ cà phê nhanh chóng nhất trí liên hệ với Ban điều hành DCTT SG để đưa chương trình từ đồng bằng lên vùng cao nguyên. Bác sĩ Phạm Hòa Anh- BVĐK Thiện Hạnh kể: Khi nghe bác sĩ Nguyễn Đăng Giáp, Trưởng khoa Ung bướu BV ĐK tỉnh Đắk Lắk than nhiều bệnh nhân nghèo nằm dài hạn ở đây dù được hỗ trợ bằng bếp ăn tình thương vẫn phải bỏ điều trị, trở về nhà chờ chết vì người thân đi nuôi họ cũng kiệt sức. Nhóm bạn của anh đã tự thấy mình cần phải làm “một điều gì đó”. Và cách tổ chức DCTT SG là sáng kiến được chọn, vì nó phù hợp với mọi túi tiền của bất kỳ ai có tâm lành muốn sẻ chia.

Ngày 12/9/2016, nhóm “Dĩa cơm trên tường- Buôn Ma Thuột” (DCTT-BMT) chính thức đi vào hoạt động, công khai quỹ và tài khoản, thu chi trên facebook. Tất cả số tiền quyên được dùng để trả tiền cơm bằng cách in ra thành phiếu phát cho những bệnh nhân hoàn cảnh ngặt nghèo nhất hoặc người đi nuôi bệnh đang bị đứt bữa vì cạn tiền. Mỗi phiếu đổi lấy 1 dĩa cơm đủ dinh dưỡng trị giá 25 nghìn đồng tại căng tin Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Lắk. Chị Nhung phụ trách căn tin ủng hộ giảm giá còn 20 nghìn đồng mỗi phiếu. Người cho không bận lòng, người nhận bớt đi nỗi tự ti mặc cảm. Ngoài vận động trực tiếp, hằng tháng DCTT-BMT lại tổ chức một đêm nhạc “Blouse Trắng” để quyên góp thêm. 

Để gió cuốn đi… ảnh 2

Ngọc Vân cùng đại diện báo Tiền Phong tặng xe đạp cho học sinh nghèo.

Ý nghĩa nhân văn “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no” của DCTT-BMT đã khiến đêm nhạc Blouse Trắng đầu tiên tổ chức tối 22/10/2016 tại quán cà phê Thùy Dương thơ mộng bị quá tải. 120 ghế phải nêm tới 150 khách. Chỉ riêng đêm nhạc này đã quyên được gần 92 triệu đồng. “Đánh” hẳn một ô tô 16 chỗ bon thẳng từ TPHCM lên Tây Nguyên để cổ vũ việc ra mắt chi nhánh đầu tiên của DCTT, bác sĩ  Huỳnh Thanh Hiển (BV Tâm thần TPHCM)- 1 trong 2 sáng lập viên của DCTT SG thật lòng khen: “DCTT BMT  đi sau chúng tôi, mà dàn nhạc phong phú, ca sĩ hùng hậu hơn, đội ngũ mạnh thường quân cũng đông đảo hơn. Trong 9 cuộc Blouse Trắng mà DCTT SG đã tổ chức, đêm quyên được cao nhất chỉ tới 61 triệu đồng”.

Từ đầu tháng 11/2016, DCTT- BMT đã phát tăng gấp đôi số phiếu mỗi ngày, 20 phiếu tại BVĐK  Đắk Lắk và 20 phiếu tại BV Lao. Với tốc độ chi mỗi tháng 1.200 dĩa cơm cho người nghèo ở 2 BV, khoản quỹ quyên được mới đủ nuôi chương trình hơn 8 tháng, nên đêm nhạc tiếp theo đang được gấp rút chuẩn bị, sẽ diễn ra vào tối 18/11. Cảm kích trước các tấm lòng “thầy thuốc như mẹ hiền”, anh Phan Đức chủ quán Thùy Dương tình nguyện không những ủng hộ toàn bộ âm thanh, ánh sáng, dàn nhạc mà cả doanh thu trọn đêm Blouse Trắng. Cho đi nhẹ nhàng như  lời một ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đêm nào cũng tha thiết vang ngân: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi ...”.

Hằng ngày, hết giờ làm việc, nhóm nữ điều dưỡng thiện nguyện mới cầm tập phiếu “Dĩa cơm trên tường” đến phát cho những người đi nuôi bệnh đang thiếu ăn. Cùng đi phát phiếu, chúng tôi chứng kiến những đôi mẹ con, bà cháu phải dè sẻn từng thìa cơm nhạt ăn chung vì đã cạn nguồn chi phí. Có những nông dân nghèo gầy xanh, cố gắng, cầm cự chăm nuôi người bệnh dài hạn ở khoa Ung bướu BVĐK Đắk Lắk và BV Lao. Quả thật “Dĩa cơm trên tường” đang là một trong những cách làm từ thiện đầy ý nghĩa, và đang lan tỏa không chỉ trên cao nguyên này.

MỚI - NÓNG