Để đại học tư không còn ưu tư

Để đại học tư không còn ưu tư
Chúng ta thấy gì về một phần bức tranh giáo dục Việt Nam, từ việc Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gửi thư tới Thủ tướng, phản ánh những khó khăn của các trường thuộc khối này cách đây không lâu? "Nếu họ cầu cứu Nhà nước thì thực chất là cầu cứu người dân, vì ngân sách Nhà nước do người dân đóng góp.

Để đại học tư không còn ưu tư

> Tuyên chiến với gian lận trong giáo dục
> Chất lượng giáo dục có chuyển biến không?
> Nơi lo giảm, chỗ hứa hẹn tăng thí sinh

Chúng ta thấy gì về một phần bức tranh giáo dục Việt Nam, từ việc Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập gửi thư tới Thủ tướng, phản ánh những khó khăn của các trường thuộc khối này cách đây không lâu? "Nếu họ cầu cứu Nhà nước thì thực chất là cầu cứu người dân, vì ngân sách Nhà nước do người dân đóng góp.

Để đại học tư không còn ưu tư ảnh 1

Mà người dân Việt Nam thì đã quá vất vả, không lý do gì họ phải gánh thêm một gánh nặng do các nhóm đặc quyền, đặc lợi gây nên". GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đã chia sẻ quan điểm như vậy, trong cuộc trò chuyện cùng Sinh Viên Việt Nam.

Khi bong bóng vỡ

Để đại học tư không còn ưu tư ảnh 2

Thưa giáo sư, cảm nghĩ của ông thế nào khi các đại học tư "kêu cứu" với Thủ tướng về "cái chết được báo trước" của hệ thống này?

Tôi nghĩ, những ai từng theo dõi quá trình phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam đều có thể đoán trước một kết cục mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay, tức là sự tồn tại của các đại học tư thục đang bị thách thức nghiêm trọng. Nhìn chung và nói một chút "triết lý", tôi nghĩ, tình trạng chúng ta đang thấy là một quá trình "chọn lọc tự nhiên", mà theo đó, sau một thời gian vận hành, cơ chế cạnh tranh và thị trường sẽ loại ra những trường không có khả năng đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Nhưng tôi cho đó là một quá trình chọn lọc cần thiết.

Tôi thấy tốc độ hình thành các đại học (tư và công) ở nước ta rất gần với cách làm "ăn xổi" ở một số người Việt mình. Đó là cách làm chạy theo phong trào, theo đuôi người khác, chỉ quan tâm cái trước mắt và nhất thời, mà chẳng chú ý đúng mức đến đường dài và cộng đồng xung quanh. Trong khoa học cũng có tư duy "ăn xổi" như thế: Thấy người ta làm đề tài nào đó thì hàng loạt người khác chỉ bắt chước làm theo mà ít chịu tìm tòi cái mới hay cải tiến và hệ quả là chỉ cho ra những công trình "me too", làng nhàng.

Trong kinh doanh thì càng phổ biến hơn: Thấy một công ty taxi kinh doanh tốt, thế là hàng loạt các công ty khác ra đời, thậm chí nhái cả tên. Tương tự, ở nước ngoài, có thời, các tiệm làm móng tay của người Việt ồ ạt ra đời và cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá. Hệ quả của sự cạnh tranh ăn xổi như thế là giảm chất lượng và đến khi tình hình kinh tế khó khăn thì cả nhóm "kéo nhau" sập tiệm.

Nhưng điều đáng kinh ngạc là cái tư duy "ăn xổi" đó cũng xuất hiện trong giáo dục đại học. Tôi nghĩ, người ta hiểu không đúng về giáo dục, nên mới dẫn đến tình trạng xem giáo dục như là một món hàng mua bán. Chỉ tính từ niên học 2000 - 2001 đến 2011 - 2012, con số trường đại học tăng từ 17 trường đến 54 trường, một tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần. Số trường cao đẳng tăng hơn 5 lần (từ 5 đến 28 trường).

Bên cạnh đó, trong cùng thời gian, số trường đại học công tăng từ 74 lên 204! Trong lịch sử giáo dục nước ta và các nước chung quanh, chưa bao giờ có một sự nhảy vọt như thế! Nhưng trong cùng thời gian, số giảng viên không tăng và số sinh viên ghi danh đại học tăng chậm hơn nhiều. Do đó, việc các trường đại học mới khó tuyển sinh là điều có thể hiểu được.

Nhiều người liên tưởng câu chuyện này với sự sụp đổ vì "bong bóng" của thị trường đầu tư bất động sản. Ông thấy sao?

Tôi muốn đề cập đến một kinh nghiệm của ĐH New South Wales (UNSW). Khoảng 8 năm trước, UNSW quyết định "đi tắt đón đầu", nắm bắt cơ hội giáo dục đại học ở Á châu bằng cách mở một chi nhánh ở Singapore. Nhưng sau 3 năm hoạt động, dự án này không thành công, vì số sinh viên quá ít và không cạnh tranh nổi với các đại học Mỹ. Viện trưởng UNSW, mới được bổ nhiệm, phải ra một quyết định đau lòng là đóng cửa chi nhánh và chuyển toàn bộ sinh viên sang Úc học. Sự thất bại của dự án làm UNSW hao hụt 20 triệu đôla và ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp của một số người. UNSW phải tự mình chịu trách nhiệm, họ không thể cầu cứu Chính phủ Úc khi dự án thất bại.

Tình trạng của các đại học tư thục hiện nay ở Việt Nam, dĩ nhiên, về bản chất thì không phải như UNSW nhưng về trách nhiệm thì giống nhau. Tôi nhớ, Văn hào người Nga, Fyodor Dostoievski từng nói, đại ý rằng: Chúng ta phải tự nhận trách nhiệm cho những việc chúng ta làm. Mượn cách nói đó, tôi nghĩ, các nhà đầu tư cho ra đời các đại học nên tự giải quyết vấn đề. Nếu họ cầu cứu Nhà nước thì thực chất là cầu cứu người dân. Vì ngân sách Nhà nước do tiền thuế của dân đóng góp. Mà người dân Việt Nam thì đã quá vất vả, không có lý do gì họ phải gánh thêm một gánh nặng do các nhóm đặc quyền, đặc lợi gây nên.

Ông có cho rằng, để hệ thống trường tư rệu rã như bây giờ, có phần do kẽ hở từ chính sách?

Có dạo (và có lẽ bây giờ cũng thế), có nhiều người xem giáo dục đại học là một loại hàng hóa. Cái lôgíc kế tiếp: Đã là hàng hóa thì có thể mua bán và làm lời. Thật vậy, giới kinh doanh nhìn thấy giáo dục đại học là một thương vụ siêu lợi nhuận. Ngay cả trong các quy định của Chính phủ, đại học tư được xem như là một công ty và người ta chia chác lợi nhuận cho cổ đông. GS Phạm Phụ từng nhận xét rằng, "người ta bán trường rất nhiều, như bán công ty". Dĩ nhiên, chúng ta không nói theo kiểu "vơ đũa cả nắm", bởi vì trong thực tế, vẫn có những đại học tư thục thật sự vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Theo tôi, để cho tình trạng mà có người chua chát ví von là "mọc như nấm sau mưa" xảy ra, Nhà nước, mà cụ thể là Bộ GD - ĐT, cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục - đào tạo, trong đó có hệ thống giáo dục đại học, bộ này được kỳ vọng là một "chốt chặn" hiệu quả đối với việc thành lập một trường đại học nhưng trong thực tế thì số lượng các trường đại học mới cứ đua nhau mọc lên. Đó là một điều đáng tiếc!

Không nên xem giáo dục là hàng hóa

Theo ông, với hiện trạng giáo dục như hiện nay, làm thế nào để tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập nghiêm túc có thể phát triển và đóng góp vào sự tăng trưởng chất lượng giáo dục đại học nói chung?

Tôi nghĩ, trước hết cần phải xác định thế nào là một "trường đại học" và sứ mệnh của đại học là gì. Tôi muốn hiểu, đại học là một trung tâm học thuật, nơi sáng tạo và chuyển giao tri thức cho công dân và là nơi duy trì đối thoại văn hóa. Nếu hiểu như thế thì tôi thấy hầu hết các "đại học" công và tư hiện nay ở nước ta chưa phải là "đại học" đúng nghĩa. Những đại học mới ra đời về thực chất chỉ là những trung tâm dạy nghề không hơn không kém. Nói ra điều đó, tôi hoàn toàn không có ý khinh miệt. Trong thực tế, Việt Nam cần nhiều trường cao đẳng dạy nghề (giống như mô hình "community college" của Mỹ hay "TAFE" của Úc) nhưng nên gọi dạy nghề là dạy nghề, chứ không nên gọi là đại học.

Làm thế nào để các đại học tư phát triển? Tôi nghĩ đến hai việc: Xác định cho rõ mô hình phi lợi nhuận hay vì lợi nhuận và sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và tôn giáo. Một trong những nhập nhằng hiện nay là chưa xác minh, phân biệt giữa các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận và vấn đề này dẫn đến tình trạng bị lạm dụng bởi các nhóm lợi ích.

Ở các nước phát triển, hệ thống trường tư đóng vai trò thế nào trong nền giáo dục đại học?

Đại học tư thục là một xu hướng toàn cầu và đã hình thành từ rất lâu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, số đại học tư thục trên thế giới ngày nay chiếm khoảng 1/3 tổng số đại học. Các đại học tư thục cùng với đại học công được xem là nền tảng để hội nhập quốc tế trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, trong số 322 trường đại học (số liệu năm 2006), thì có 280 trường là tư thục nhưng bất vụ lợi.

Gần ta hơn, Thái Lan có kinh nghiệm khá tốt về giáo dục tư thục với đạo luật đầu tiên ra đời từ cuối thập niên 1960. Đại học tư thục đầu tiên (Assumption University) do một nhóm dòng tu Công giáo thành lập và nay là một đại học tư danh giá ở Á châu. Cho đến nay, gần phân nửa (70/149) đại học Thái Lan là tư thục và bất vụ lợi. Đến nay, khoảng 20% sinh viên Thái Lan theo học trong các trường tư thục. Malaysia bắt đầu phát triển đại học tư từ đầu thập niên 1980 và đến nay cũng có khá nhiều đại học tư, cùng với các đại học công. Malaysia có tham vọng trở thành một trung tâm giáo dục đại học của châu Á, sẵn sàng cạnh tranh với Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản.

Ở các nước tiên tiến, giáo dục đại học tư đóng vai trò rất quan trọng. Ở Mỹ, như chúng ta biết, các đại học tư được thành lập lâu đời và rất nổi tiếng. Phần lớn các đại học hàng tinh hoa (elite) của Mỹ là đại học tư thục nhưng bất vụ lợi. Đại học tư ở Nhật đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo chuyên gia cho các ngành kỹ nghệ. Gần 93% các chương trình đào tạo chuyên ngành ở Nhật là do các đại học tư đảm nhận. Ở Úc, trước đây, không có đại học tư thục, mãi đến cuối thập niên 1980 thì ĐH Bond (do một tỉ phú lúc đó là Alan Bond sáng lập) ra đời. Cho đến nay, Úc cũng chỉ có 3 đại học tư thục, trong đó có hai trường của nhóm Công giáo và họ đã đóng góp đáng kể vào nền giáo dục Úc.

Nói chung, quá trình phát triển đại học tư thục là một xu hướng toàn cầu, chứ chẳng riêng gì ở nước ta. Tuy nhiên, có lẽ cái khác biệt căn bản giữa nước ta và các nước khác là các đại học tư của Việt Nam ra đời trong bối cảnh có thể nói là bát nháo và thiếu cơ sở vật chất để có thể xem là một "đại học" đúng nghĩa.

Ắt hẳn nó phải xuất phát từ một triết lý đầu tư, triết lý phát triển nào đó, thưa ông? Và ta có thể học hỏi gì từ họ?

Đây là vấn đề còn đang tranh luận, rất khó có một sự đồng thuận. Có lẽ, tôi là người thực tế, là người làm việc trong đại học như là một giảng viên và nhà nghiên cứu, nên quan niệm của tôi về giáo dục đại học là khai dân trí và khai phóng, tức giống như quan niệm của cụ Phan Chu Trinh ngày xưa. Không nên xem giáo dục là một thứ hàng hóa để kinh doanh lấy lời, vì đối tượng của giáo dục là con người và tri thức.

Xin cảm ơn ông!

Một điều đáng ngạc nhiên ở nước ta là vai trò của các doanh nghiệp trong việc định hướng đào tạo và kiểm định chất lượng đào tạo còn rất lu mờ. Hệ quả là nhiều sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, hay không đáp ứng được những đòi hỏi thực tế của doanh nghiệp. Chúng ta còn nhớ, khi Intel mới đầu tư vào Việt Nam, trong số 2.000 ứng viên được trắc nghiệm về khả năng, chỉ có 90 người được xem là đạt yêu cầu và trong số này, chỉ có 40 là đủ trình độ tiếng Anh! Do đó, chúng ta cần phải tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiếng nói và vai trò trong đào tạo bậc đại học.

Mỗi trường đại học cần có một hội đồng (giống như board ở các đại học phương Tây), mà trong đó có đại diện của giới khoa học, chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức cộng đồng. Đại học tồn tại trong xã hội thì phải tương tác với các thành viên trong xã hội, chứ không thể nào tồn tại như một ốc đảo".

GS Nguyễn Văn Tuấn

Theo Lê Ngọc Sơn
SVVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG