Để các gia đình trẻ tận dụng hai ‘tuần lễ vàng’ chống dịch

Bảo tàng áo dài hướng dẫn thiếu nhi làm đồ chơi bằng lá dừa
Bảo tàng áo dài hướng dẫn thiếu nhi làm đồ chơi bằng lá dừa
TPO - Nhìn thấy các cháu học sinh phải nghỉ học ở nhà suốt từ trước Tết Nguyên đán đến giờ tôi thật tội nghiệp. Rồi hai “tuần lễ vàng” sắp tới sẽ khiến các cháu sẽ phải ở lại trong nhà nhiều hơn nữa! 

Điều này làm cho tôi nhớ lại bài học của nước Nhật sau thảm họa động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân. Những đứa trẻ ở Fukushima chưa hết hoảng hốt vì động đất, sóng thần lại tiếp tục bị hạn chế ra ngoài trời để tránh nhiễm phóng xạ...

Cách đây vài năm Giáo sư Michiko Yoshii đã đưa sang Việt Nam một nhóm trẻ em từ Fukushima bị mắc chứng trầm cảm vì chỉ có thể đến trường học rồi về nhà, buồn chán, ít vận động. Giáo sư nhờ chúng tôi giúp đỡ để các cháu có thể giao tiếp cởi mở hơn, vui bẻ, hồn nhiên. Lúc ấy tôi và các đồng nghiệp trẻ ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã đón tiếp, lắng nghe và chia sẻ với các cháu hết lòng...

Cùng với những kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm tiếp cận với trẻ em, tôi chợt nghĩ các gia đình trẻ trên cả nước có thể tận dụng hai “tuần lễ vàng” chống dịch làm cơ hội để cha mẹ, con cái cùng học, cùng làm, cùng chơi.

Nhiều cơ quan, đơn vị giảm giờ làm việc cho nhân viên, thực hiện chế độ giao việc về nhà hoặc nghỉ việc tạm thời. Các đôi vợ chổng trẻ có thể dành nhiều thời gian cho con cái hơn, nhất là các cháu trong độ tuổi Tiểu học. Hãy thôi quát mắng các cháu khi chúng nghịch ngợm, la hét! Hãy tắt TV, máy tính, điện thoại thông minh để cùng ngồi lại với các con, tận hưởng niềm vui cùng con trải nghiệm.

Các cháu đã có thể học làm những việc nhà đơn giản: quét nhà, lau bàn ghế, lau nhà, nhặt rau, vo gạo... dưới sự hướng dẫn, động viên của ba mẹ. Các cháu cần được khen ngợi khi làm tốt, góp ý để sửa sai. Và ba mẹ còn có thể cùng với các cháu học may những chiếc áo, chiếc túi xinh xắn cắt từ quần áo cũ; có thể cùng vẽ những bức tranh ngộ nghĩnh từ giấy nháp một mặt của ba mẹ; cùng trồng một vài cây hoa, cây cảnh trên ban-công nhà... Các cháu có thể cùng với ba mẹ gấp quần áo, dọn bàn ăn, sắp xếp giường ngủ ngăn nắp.

Một số gia đình bận rộn, vì quá cưng chìu con nên đã ít quan tâm hướng dẫn các cháu những kỹ năng sống tối thiểu để rồi phải tiêu tốn một số tiền không nhỏ để gửi các cháu vào các “Học kỳ quân đội” nhờ người khác rèn luyện cho con mình! Hãy sử dụng hai tuần phòng chống dịch như một học kỳ đặc biệt mà ở đó ba mẹ vừa là thầy cô, vừa là bạn bè của các con mình!

Các cháu đang tuổi hiếu động, cần được chạy nhảy, leo trèo. Có thể dịp này ba mẹ và con cái cùng tập thể dục buổi sáng, tập nhảy múa, ca hát trong nhà theo những điệu nhạc vui nhộn, đơn giản. Tôi không thể quên nét mặt rạng ngời của các cháu thiếu nhi Nhật Bản khi múa hát cho chúng tôi xem, khi mặc áo dài Việt Nam để chụp ảnh...

Ba mẹ có thể dạy các con rửa tay bằng điệu múa “Ghen Cô Vy” hoặc đơn giản là rửa tay đúng cách trong một đoạn nhạc 20 – 30 giây. Các cháu sẽ thích thú với những “trò chơi” phòng dịch: đeo khẩu trang đúng có thưởng, thay quần áo nhanh sau khi ra ngoài về... Những thói quen mới hình thành sẽ còn cần thiết cho các cháu đến suốt đời mình!

Để các gia đình trẻ tận dụng hai ‘tuần lễ vàng’ chống dịch ảnh 1

Bảo tàng Áo dài hướng dẫn thiếu nhi vẽ

Để các gia đình trẻ tận dụng hai ‘tuần lễ vàng’ chống dịch ảnh 2

Hướng dẫn các cháu may áo dài

Không nhất thiết ba mẹ phải là người trí thức mới dạy con học được trong mùa dịch! Trong khi chưa tiếp tục những bài học mới được thì việc cùng con ôn tập những kiến thức đã học là hết sức cần thiết. Và ba mẹ có thể cùng con thực hiện những cuốn sách bằng tranh độc đáo: từ điển hình ảnh bằng tiếng Việt, tiếng Anh, sách lịch sử bằng tranh, sách Toán vui với tranh minh họa...

Việc vẽ tranh, tô màu bằng tay sẽ rèn luyện cho trẻ sự khéo léo, cẩn thận, óc thẩm mỹ, sự sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng vô tận của trẻ. Dạy con thắt dây, gấp giấy Origami, làm đồ chơi từ lá dừa,... cũng sẽ là những giây phút hạnh phúc, vui vẻ, đầm ấm của các gia đình trẻ trong mùa dịch bệnh cần hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc.

Cả nước đã và đang nỗ lực chống dịch. Trẻ em cũng đang trải qua những ngày tháng khó khăn vì sinh hoạt bị xáo trộn, vì sự căng thẳng, lo âu của những người lớn trong gia đình. Hãy cảm thông và giúp đỡ các cháu, ít nhất trong hai tuần lễ vượt qua thử thách của dịch bệnh! Rồi các bạn sẽ thấy con mình khác hẳn...

MỚI - NÓNG