Để bệnh viện hết sợ đấu thầu, mua sắm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Con số 9/16 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi (sáng 24/5) đề cập lĩnh vực y tế cho thấy mối quan tâm, sự chia sẻ đặc biệt của các đại biểu đối với lĩnh vực quan trọng này.

3 năm qua, có lẽ không có lĩnh vực nào nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân như lĩnh vực y tế. Ở thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19, cả xã hội ghi nhận, tri ân toàn ngành Y tế đã lăn xả vào các “điểm nóng”, đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết… Tuy nhiên, khi đại dịch dần đi qua, những “mảng tối” tiêu cực trong lĩnh vực này “lộ sáng”, khiến dư luận lại trăn trở, đau xót và bức xúc. Những “cơn bão Việt Á”, “cơn bão” đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch; xã hội hóa y tế không chỉ khiến những ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế), Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Phạm Xuân Thăng (Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) bị khởi tố, bắt tạm giam mà còn khiến nhiều nhà chuyên môn, thầy thuốc giỏi “ngã ngựa”, bị xử lý hình sự, bị kỷ luật…

Chưa dừng lại, sau đó ngành y tế còn phải đối diện với “cơn đau đầu” trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu hóa chất, vật tư; nhiều bệnh viện, cơ sở y tế, trong đó có cả những bệnh viện lớn như Việt Đức, Chợ Rẫy… phải tạm dừng một số hoạt động điều trị bệnh. Ngoài sợ sai, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các quy định của pháp luật trong đấu thầu, mua sắm vật tư thiết bị y tế không phù hợp, thiếu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh xảy ra đại dịch.

Do đó, trong phiên thảo luận về dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, mối quan tâm hàng đầu được các đại biểu đặt ra là tìm giải pháp căn cơ để tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế nhưng vẫn bảo đảm được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, ngăn ngừa các “lỗ hổng” dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Đơn cử như quy định trong dự thảo Luật Đấu thầu: “Trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh”, các đại biểu cho rằng chưa phù hợp; cơ chế mua sắm tập trung mất nhiều thời gian, nếu mua thuốc hiếm, có số lượng ít mà thực hiện mua sắm tập trung sẽ không hợp lý, không thể đảm bảo được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh…

Chia sẻ trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua đã tổ chức rất nhiều cuộc để nghe từng bệnh viện, từng chuyên gia góp ý vào các quy định liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Ông thừa nhận, trong đấu thầu vật tư, thiết bị y tế nói riêng và đấu thầu ở các lĩnh vực khác nói chung, nếu quản lý chặt quá thì lại gây khó khăn, ách tắc, còn lỏng quá lại không đảm bảo được quản lý nhà nước, dẫn đến một vòng luẩn quẩn, rất khó tìm được điểm cân bằng. Vậy nên như đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý, nếu tìm cách quấn nhiều vòng dây vào nhằm tốt hơn có khi lại làm chậm đi. Theo ông Nghĩa, các quy định trong dự thảo luật cần phù hợp, còn tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, chứ không phải chỉ có dùng Luật Đấu thầu mà khắc phục được tất cả.

Hy vọng rằng, với sự chia sẻ, mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu, dự án Luật Đấu thầu sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua sẽ giúp ngành Y tế thoát khỏi “cơn đau đầu”, nỗi lo trong đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị y tế.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.