Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 ‘có lãng phí’

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
"Có lãng phí" là khẳng định của Bộ GD-ĐT khi thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 ở một số địa phương trong tháng 3/2014.

Bên cạnh nhiều ưu điểm, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT tại không ít địa phương vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót cần được chấn chỉnh, khắc phục, cụ thể: Chưa thành lập Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (ĐANNQG) 2020 cấp tỉnh hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành trong Ban Chỉ đạo.

Phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; sử dụng ngân sách lãng phí, đặc biệt ở khâu mua sắm thiết bị dạy học (mua sắm thiết bị mới mà không rà soát, kiểm kê thiết bị đã có, mua các thiết bị công nghệ thông tin chỉ có phần cứng, không có các phần mềm ứng dụng đi kèm nên không sử dụng được hoặc không khai thác hết được tính năng của thiết bị).

Lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hình thức vừa học vừa làm; không giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng giáo viên không đạt yêu cầu. Chưa tổ chức kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện Đề án tại địa phương để kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD-ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan tập trung thực hiện 4 nội dung chính.

Cụ thể, thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo ĐANNQG 2020 cấp tỉnh, trong đó Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính là thành viên Ban Chỉ đạo và giao Sở GD-ĐT làm cơ quan thường trực.

Ban Chỉ đạo cần xây dựng kế hoạch, rà soát điều chỉnh kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương.

Căn cứ theo nhiệm vụ trọng tâm của Đề án để phân bổ nguồn kinh phí, đảm bảo cơ cấu phân bổ từ Trung ương, cân đối giữa các hạng mục chi (bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; mua sắm thiết bị, phần mềm, học liệu dạy và học ngoại ngữ).

Riêng năm 2014, việc phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 63/BGDĐT-KHTC ngày 06/01/2014 của Bộ GD-ĐT về việc sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo cho Đề án 2020.

Chỉ đạo Sở GD-ĐT chấn chỉnh công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo hướng không tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm, chỉ tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả bồi dưỡng; hợp đồng với đơn vị đủ năng lực và trách nhiệm độc lập đánh giá kết quả bồi dưỡng; tổ chức rà soát về thực trạng thiết bị dạy học hiện có và các điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo việc mua sắm, khai thác, sử dụng thiết bị có hiệu quả, tiết kiệm theo Công văn số 7842/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 28/10/2013 của Bộ GD-ĐT về việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học, học liệu của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Đề án tại địa phương, tập trung vào nội dung bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên, mua sắm, quản lý và sử dụng thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.

Bộ GD-ĐT giao Thanh tra Bộ phối hợp Ban Quản lý ĐANNQG 2020 và các đơn vị chức năng thuộc Bộ tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án tại các địa phương và việc thực hiện trách nhiệm của các đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.

Theo Văn Chung 

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.