Đề án 112 ở Lạng Sơn: Triển khai ồ ạt, hiệu quả quá thấp

Đề án 112 ở Lạng Sơn: Triển khai ồ ạt, hiệu quả quá thấp
TP - Mỗi năm kinh phí từ Trung ương “rót” về từ 1 - 2 tỷ đồng, ngay từ năm 2001, Lạng Sơn triển khai Đề án 112. Và hiện nay các huyện, thành phố và một số ban, ngành trong tỉnh người được đào tạo, máy đã trang bị nhưng nhiều nơi vẫn không thực hiện nổi công việc vì hệ thống máy móc lẫn con người rất tậm tịt.
Đề án 112 ở Lạng Sơn: Triển khai ồ ạt, hiệu quả quá thấp ảnh 1

Ngày 15/7/2005, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn triệu tập 44 học viên chia làm 2 lớp đào tạo tin học cho cán bộ, công chức theo đề án (ĐA)112, đến ngày 8/8/2005 mở tiếp 6 lớp với 138 học viên.

Đồng thời có nguồn ngân sách của Trung ương nên Lạng Sơn tranh thủ mở “ké” một lớp đào tạo tin học cơ bản khoá V với 50 người (khai giảng vào ngày 26/9/2005).

Ông Hoàng Kham, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Thời tôi còn công tác, khi triển khai Đề án 112 này nhiều người được đi học về nhưng không làm được việc. Trước hết họ không đủ trình độ để tiếp thu, khi đi vào sử dụng thì lúng túng”.

Cũng “may” Đề án 112 chấm dứt nên số người này thoát khỏi sự “sát hạch” của công việc. Thêm nữa, nhiều người đi học về nhưng không có điều kiện để “thử sức”.

Ví dụ như ở huyện Cao Lộc tham gia 4 khóa đào tạo của tỉnh với 37 người thì chỉ có 3 người công tác ở Văn phòng UBND huyện được trang bị máy của Đề án để làm việc, số còn lại học về để…biết.

Có người nói vui, cứ được đi học không mất tiền là tốt rồi, biết đâu lại “xóa mù” được vi tính(!).

Ông Đặng Đình Ngọc, Chánh Văn phòng UBND huyện Cao Lộc dẫn tôi đi xem “hạ tầng kỹ thuật” của Đề án 112 cho hay: Huyện đã triển khai cài đặt các phần mền dùng chung.

Trong đó phần “Quản lý văn bản và hồ sơ công việc” đã được đưa vào khai thác sử dụng. Còn 2 phần mềm: “Hệ thống thông tin tổng hợp Kinh tế - Xã hội” và ‘Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành” chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do thiếu thông tin và người làm công tác cập nhật tin tức”.

Ông Ngọc còn tiết lộ: Chẳng riêng gì Cao Lộc, tất cả các đơn vị trong toàn tỉnh đều chưa khai thác được 2 phần mềm này (?!).

Khi được hỏi về chất lượng máy móc Đề án 112, ông Ngọc cho biết huyện Cao Lộc được tỉnh cấp 1 máy chủ hiệu IBM, 3 máy trạm hiệu VIFCOM cùng các phụ kiện kèm theo.

Tất cả  đều do Văn phòng UBND tỉnh cùng các Cty bán máy đến lắp đặt rồi bàn giao, nghiệm thu cho huyện theo kiểu “chìa khóa trao tay”.

Theo ông Ngọc thì các thiết bị kể trên đều hoạt động tốt, riêng thiết bị FortiWifi-60 đang phải gửi đi bảo hành vì bị…sét đánh (!?).

Còn tại UBND phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) sau khi hai cán bộ được đi đào tạo Đề án về thì cũng là lúc phường được cấp một bộ máy vi tính.

Thế nhưng kể từ khi lắp đặt (khoảng tháng 5/2006) đến nay cơ bản bộ máy này chẳng hoạt động được gì và trở thành đồ vật “trang trí” trong phòng của Chủ tịch phường.

Khi chúng tôi đề nghị chị Hứa Thu Hà - cán bộ Văn phòng của phường, người được đi đào tạo ĐA về thử thao tác công việc thì chị Hà lúng túng không sao thực hiện được và chị viện lý do là do máy sử dụng mạng quay số 1269 và lỗi do…vi rút (?). 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...