Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao: Tránh lặp 'vết xe đổ'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 7/4 tại Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội thảo tham vấn đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây được xem là lần tham vấn cuối cùng trước khi đề án được trình Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, cần có sự thay đổi tư duy nhận thức về đề án, kể cả từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX). Bởi đây là đề án lớn đầu tiên của ngành hàng lúa gạo không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới, hàng chục năm Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top đầu, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực thế giới; còn ở trong nước, lúa gạo liên quan đến hàng chục triệu nông dân.

Theo ông Bình, đề án như là “giai đoạn 2” của mô hình Cánh đồng mẫu lớn, mô hình mà bản thân ông rất tâm đắc và đã thực hiện 10 năm nay rất thành công. Tuy nhiên, mô hình đã không phát triển được và liệu đề án lần này có lặp lại “vết xe đổ”, không phát triển được như mô hình Cánh đồng mẫu lớn. Với kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành lúa gạo, ông Bình cho rằng, vai trò của DN là không thể thiếu, nhưng vì sao DN không tham gia.

Đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao: Tránh lặp 'vết xe đổ' ảnh 1

Theo đề án, đến năm 2030, vùng ĐBSCL có 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao. Ảnh: Cảnh Kỷ

“Vướng mắc lớn nhất là vấn đề vốn. Tôi nói hộ cho các DN khác chứ tôi chưa bao giờ thiếu vốn. Công ty Trung An Kiên Giang của chúng tôi được phê duyệt dự án 6.000 héc ta ở vùng Tứ Giác Long Xuyên từ năm 2017 nhưng chúng tôi gõ cửa không biết bao nhiêu ngân hàng mà vẫn không vay được đồng nào, dù vậy tôi cũng đã đầu tư xong”, ông Bình nói và cho biết, đó là do DN của ông còn có tiền, xoay xở được chứ nhiều DN nhỏ khác thì không thể.

Vượt qua “lời nguyền”

Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dẫn lại 3 “lời nguyền” trước đây của ngành lúa gạo. “Lời nguyền” thứ nhất đó là vấn đề năng suất, từ chỗ không đủ lương thực Việt Nam đã vươn lên xuất khẩu top đầu thế giới. “Lời nguyền” thứ hai là chưa ai nghĩ Việt Nam sẽ vượt được Thái Lan về chất lượng gạo nhưng gần đây đã làm được.

Cần 40.000 tỷ đồng để thực hiện đề án

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm này đã có 12/13 tỉnh, thành tại ĐBSCL đăng ký tham gia với định hướng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao. Theo ông Cường, đề án đặt ra yêu cầu áp dụng quy trình canh tác bền vững, sử dụng ít vật tư đầu vào nhất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, nước) và được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác liên kết.

Bộ NN&PTNT xác định nông dân tham gia sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa xác nhận, được ngân hàng cho vay không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ. Thời gian vay 6 tháng, được hỗ trợ bảo hiểm với cây lúa. “Đề án xác định mấu chốt của thành công nằm ở sự hợp tác chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các thành phần”, ông Cường nói và cho biết, hiện tại, Bộ NN&PTNT ước tính việc thực hiện đề án sẽ cần 40.000 tỷ đồng đầu tư. Trong đó, sẽ có khoảng 25.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách và nguồn vốn khác, còn lại khoảng 15.000 tỷ đồng là vốn từ người dân.

Dương Hưng

“Còn “lời nguyền” thứ ba là ngành này phải đem lại thu nhập cho người trồng lúa cao hơn thì chưa vượt qua được. Gần đây, biến đổi khí hậu càng làm cho mục tiêu này khó đạt. Cho dù xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới đi nữa thì vẫn còn “nợ” rất nhiều người nông dân.

Tôi nói với tư cách là người hưởng lợi, người sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL. Cho dù đề án này có được triển khai hay không, WB có tham gia hay không thì tôi vẫn mong muốn người nông dân được giàu hơn. Tôi mong muốn đề án được sớm phê duyệt và triển khai thực hiện, không làm thất vọng các DN và nông dân”, chuyên gia WB nói.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, đề án tạo sự quan tâm của rất nhiều giới, từ nông dân, HTX, DN đến các nhà khoa học, giới truyền thông, các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Tỉnh An Giang ủng hộ và sẽ tham gia đề án với bất cứ giá nào, tuy nhiên khi thực hiện cần phân vai nhiệm vụ rõ ràng, nhà nước làm gì, DN làm gì, HTX, nông dân làm gì. Nếu không sẽ lúng túng, giẫm chân lẫn nhau.

“Phải có chính sách tạo sự khác biệt cho cả DN, HTX và nông dân, nếu không thì DN sẽ không tham gia, kể cả những người tâm huyết khi mà họ không thấy khác biệt so với ở ngoài. Phải có sự khác biệt của sản phẩm đi ra từ 1 triệu héc ta này. Quyết tâm thôi chưa đủ, mà phải cụ thể hóa ra bằng những cơ chế, chính sách…”, ông Thư nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đề án là kỳ vọng rất lớn của Bộ NN&PTNT, cộng đồng DN và người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Do tính chất còn khá mới mẻ, tiếp cận với xu thế của nền kinh tế xanh, phát thải thấp. Do đó, Bộ NN&PTNT hết sức cẩn trọng và muốn chắt lọc được nhiều ý kiến đóng góp từ các thành phần kinh tế, DN, HTX, chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức thường xuyên quan tâm tới đề án này cũng như quan tâm tới ngành hàng lúa gạo ĐBSCL.

Đây là một bước phát triển rất lớn không đơn giản là cấu trúc lại vùng quy hoạch lúa gạo chất lượng cao căn cứ theo nhu cầu của thị trường, mà định hình tư duy làm nông nghiệp mới.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.