ĐD Nguyễn Hữu Phần: Tôi nặng nợ với đề tài nông thôn...

ĐD Nguyễn Hữu Phần: Tôi nặng nợ với đề tài nông thôn...
Khán giả phía Nam biết đến tên tuổi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từ đầu thập niên 90 khi ông giới thiệu phim 'Anh còn nhớ hay anh đã quên' tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM.
ĐD Nguyễn Hữu Phần: Tôi nặng nợ với đề tài nông thôn... ảnh 1
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần

Phim nói về cuộc đời của Trịnh Công Sơn và người thể hiện vai nhạc sĩ là diễn viên Lê Công Tuấn Anh…

Bây giờ, những bộ phim có màu sắc nông thôn như Đất và người, Ma làng của ông lại có sức hút riêng với khán giả màn ảnh nhỏ.

Được biết sau phim Ma làng, đạo diễn đang thực hiện tiếp phim Gió làng Kình. Ông không sợ khán giả nhàm chán khi lặp lại đề tài nông thôn?

Không phải nông thôn cứ mãi quẩn quanh chuyện cũ mà tự thân cuộc sống đã nảy sinh biết bao câu chuyện đời thú vị. Tôi có cái duyên với nông thôn ngay từ bộ phim đầu tay Chiếc bình tiền kiếp.

Không gian nông thôn hay không gian đô thị đều có nét riêng của nó. Nhưng làm phim về nông thôn, không gian đỡ bức bối, nhiều người dân thành phố là trí thức, quan chức hay doanh nhân… cũng từng xuất thân từ nông thôn.

Làm phim về nông thôn cũng là một cách để rút bớt khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, để người ta còn thấy lại bóng dáng một làng quê, thấy đời sống của bà con nông thôn. Điều đáng nói, nông thôn hiện nay vẫn còn là vấn đề lớn của đất nước.

Nước mình là nước nông nghiệp, vấn đề nông thôn bao thời đại vẫn luôn có điều để suy gẫm. Chúng tôi cho rằng chỉ cần mổ xẻ từng khía cạnh nhỏ ở nông thôn ra tấm ra miếng cũng là chuyện có ích trong thời kỳ đô thị hóa nông thôn.

Cuộc sống đổi thay hàng ngày, câu chuyện Ma làng mang dấu ấn chuyển biến xã hội nông thôn thời bao cấp, còn Gió làng Kình sẽ là phim mở đầu cho những vấn đề trực diện với cuộc sống nông thôn đương đại nhiều hơn.

Câu chuyện bán đất, bán ruộng ở nông thôn với bộ mặt hám lợi của một trưởng thôn; rồi, sự xáo trộn cuộc sống xã hội nông thôn khi khu công nghiệp mọc lên; sự thiếu chuẩn bị nghề nghiệp mới sau khi nông dân bán ruộng hoặc tệ nạn từ “văn hóa tiêu tiền” của một người chưa từng có một triệu đồng, giờ cầm tiền tỉ trong tay…

Tôi cảm thấy mình còn nặng nợ với đề tài nông thôn.

Trở lại câu chuyện làm phim hiện nay, ông cho rằng với kinh phí thấp, điều kiện làm phim khó khăn, “chiêu” riêng của đạo diễn đã làm gì để phim thành công?

Tôi nghĩ đó là nhờ sự hợp lực công sức của đoàn phim. Đọc tiểu thuyết Ma làng của Trịnh Thanh Phong, tôi liên tưởng đến nhiều câu chuyện hay, bức xúc ở nông thôn. Thế là tôi với Phạm Ngọc Tiến tiến hành viết kịch bản.

Phân loại nhân vật, tôi nghĩ đến một số diễn viên có nghề và thử đặt vấn đề thay đổi tính cách, đổi kiểu nhân vật từ chính diện sang phản diện như vai ông Tòng của Bùi Bài Bình hay vai không rạch ròi tính cách vừa có cái xấu vừa có cái tốt của ông Dỏ- Hồng Sơn.

Nếu bảo là “chiêu” thì cũng chẳng có gì ghê gớm, đấy chỉ là cách gợi ý, trao đổi ý kiến và trao kịch bản cho diễn viên nghiên cứu, tích lũy vốn sống, chuẩn bị vai cho tốt.

Thỉnh thoảng, tôi có thể “kích” để họ phát huy hết khả năng diễn xuất còn tiềm tàng của một nghệ sĩ. Đôi khi diễn viên cũng có sáng kiến làm sâu sắc hơn vai diễn của họ qua một vài điểm nhấn, rất bất ngờ và thú vị.

Ví dụ sau khi phân tích kịch bản về vai cô Ló, diễn viên Kim Oanh đã đề xuất cho nhân vật được mang đôi guốc gỗ khá độc đáo: Một bên đóng đế nút chai bia, một bên đóng đế cao su để gây hiệu quả tiếng động “chạt- xèng, chạt- xèng” , rất phù hợp những câu thoại bộc lộ tính cách nhân vật cô Ló. Ngôn ngữ đời thường kết hợp ngôn ngữ sân khấu, đôi lúc rất đắc lợi trong phim.

Ông có giải pháp mới về câu chuyện làm phim truyền hình hiện nay?

ĐD Nguyễn Hữu Phần: Tôi nặng nợ với đề tài nông thôn... ảnh 2

Diễn viên Kim Oanh (vai cô Ló) trong phim “Ma làng”.

Có đấy, chúng tôi có đề xuất nhưng chưa được nhà đài chấp thuận. Chỉ biết rằng làm phim truyện truyền hình từ 15 năm nay, chúng tôi vẫn cứ thế.

Trong thời buổi chạy đua cạnh tranh với các nhà làm phim tư nhân, chuyện làm phim sẽ là một thách thức không nhỏ đối với chúng tôi. Ở Trung Quốc, các đài truyền hình không thành lập hãng phim.

Phần lớn các nhà làm phim thực hiện sản xuất phim và làm đĩa bán sang nước ngoài (có phim, ở Trung Quốc chưa phát sóng, chúng ta đã thưởng thức trước trong chương trình chiếu phim truyện của đài truyền hình Việt Nam).

Ưu điểm của việc sản xuất và phát sóng này là sự chọn lọc phim hay khá rạch ròi và mạnh mẽ. Tất nhiên kinh phí dành cho phim không phải nhỏ…

Gắn bó nhiều năm với nghề phim từ điện ảnh đến truyền hình, chắc có nhiều kỷ niệm vui, buồn của ông trong giới nghệ thuật này?

Tôi từng dạy học ba năm sau khi tốt nghiệp khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Biết nghề dạy không phù hợp, tôi bỏ đi làm công nhân và từ chút duyên ban đầu làm anh đạo cụ cho điện ảnh, theo “học lóm” nghề với các đạo diễn Phạm Văn Khoa, Nguyễn Khánh Dư, Long Vân…, tôi đam mê làm phim và quyết định thi vào học khóa đạo diễn 4 năm Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Hôm đầu tháng 12/2007, dự đám tang đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, tôi thật bùi ngùi nhớ những ngày theo anh đi làm phim. Anh ấy là người gần như có năng khiếu bẩm sinh, có nhiều góc máy quay quá đẹp như phim Chị Tư Hậu…

Làm đạo diễn, tôi từng tiếp xúc với nhiều lớp diễn viên hai miền Nam, Bắc. Anh em diễn viên từ hồi đó đến giờ kể cả “tân binh mới toanh” vẫn vậy, chúng tôi làm việc với nhau rất chan hòa, cùng có tấm lòng với nghề.

Không ai nề hà gì, kể cả những lúc đoàn phim gặp khó khăn nhất! Đó là điều thật đáng quý đối với nhau! Còn, kỷ niệm chuyện làm phim thì rất nhiều!

Nhớ một kỷ niệm lúc làm phim Tình yêu và man trá (ê kíp làm phim lúc này là Lê Công Tuấn Anh, Khánh Huyền, Quách Thu Phương…). Trong phim, có cảnh Lê Công Tuấn Anh đóng vai một người bệnh tâm thần.

Thế là anh phải “đi thực tế” ở nhà thương điên. Đến đây, Công cắt tóc, mặc quần áo bệnh nhân và ngồi giữa những người bệnh chẳng bị ai phát hiện.

Thế nhưng, đến lúc chuẩn bị cảnh quay bệnh nhân Lê Công Tuấn Anh đang ngồi thờ thẫn trong một phòng kín thì có một bệnh nhân “thứ thiệt” ló mặt vào và bất ngờ dặn dò chàng diễn viên: “Này, nhớ đóng đừng để giống quá. Nếu đóng giống quá, nó nhốt anh vào nhà thương điên luôn, đó!”…

Ừ, thì cũng là một kỷ niệm vui vui của nghề phim, đấy!

Cảm ơn đạo diễn.

Theo Kim Ửng
Sài gòn Giải phóng

MỚI - NÓNG