ĐBSCL: Nâng cao giá trị nông sản

ĐBSCL: Nâng cao giá trị nông sản
TP - Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng nông sản, trong đó quan tâm đến cây lúa và thủy sản là thế mạnh hàng đầu.

Các tỉnh phấn đấu đến năm 2010, đưa giá trị nông lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 5%/ năm.

Trong đó, cơ cấu nông lâm thủy sản nông nghiệp chiếm 69,8%, thủy sản 28%; giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 50 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng so năm 2007.

Các tỉnh ổn định diện tích đất trồng lúa 1,8 triệu ha để đảm bảo cung ứng ít nhất 18-19 triệu tấn lúa cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đưa thêm khoảng 180.000 – 200.000 ha lúa mùa 1 vụ ở khu vực ven biển vào nuôi thêm 1 vụ thủy sản theo mô hình “lúa tôm”, “lúa- cá”.

Trên diện tích đất canh tác 2-3 vụ lúa, khuyến khích chuyển một vụ sang trồng các cây lấy nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu như bắp, đậu nành, bông vải….

Đưa thêm 120.000 ha vườn tạp , đất lúa kém hiệu quả vào trồng cây ăn trái chuyên và ăn trái đặc sản; đưa 180.000 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả, đất hoang hóa vào trồng rừng mới.

Sản xuất lúa được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, theo hướng đa canh, luân canh kết hợp với trồng các cây trồng cạn, trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản để vừa duy trì sản lượng lúa ổn định, vừa tăng thêm thu nhập đồng thời khai thác đất đai, mặt nước hiệu quả hơn. Các giống lúa đặc sản, lúa thơm nhập nội , lúa nếp được chú trọng trồng để tiêu dùng và xuất khẩu.

Đối với các cây lâu năm, đến năm 2010 mở rộng diện tích lên 117.000 ha dừa (cho trái) với sản lượng 913.000 tấn. Các tỉnh hỗ trợ nông dân tiếp tục cải tạo vườn tạp, cung cấp giống sạch bệnh để đến năm 2010 toàn vùng có trên 420.000 ha vườn cây ăn quả (chủ yếu đặc sản) với sản lượng 4,6 triệu tấn quả/ năm.

Việc bố trí lại cơ cấu sản xuất dựa vào điều kiện sinh thái cụ thể của các tiểu vùng gồm : Tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu, Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, Bán đảo Cà Mau, ven biển Đông.

Các địa phương phối hợp nhau qui hoạch, phát triển các vùng nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng khu vực, địa phương và có biện pháp giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn phát tán các chất gây ô nhiễm môi trường trong quá trình nuôi;

Đầu tư xây dựng nhanh hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt,mặn, lợ; phổ biến rộng Luật bảo vệ môi trường và các qui định về kiểm soát chất thải ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường nuớc.

Các tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mai, đầu tư, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp cho các địa phương xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, trước hết là tại Cần Thơ, các điểm trình diễn sản xuất cây con, tăng cường khuyến nông cấp cơ sở.  

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.