ĐBQH Nguyễn Đức Kiên: Ủy ban mới không cần thuộc cơ quan nào

TP - Trao đổi với Tiền Phong, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ông nghiêng về lựa chọn phương án 1 (thành lập Ủy ban mới-PV). Theo ông Kiên, phương án 1 mới giải quyết được tổng thể các vấn đề đã được nêu ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng.

"Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng không phải nâng cấp SCIC, mà phải thay đổi cách quản lý vốn nhà nước tại DN theo hình thức khác, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN. Do đó, phải tách bạch cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ sở hữu, nên phải có 1 cơ quan xứng tầm và phù hợp với luật. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN cũng định rõ thẩm quyền của một cơ quan quản lý nhà nước rộng hơn hiện nay. Cơ quan quản lý vốn nhà nước phải lập mới, nếu theo mô hình SCIC nâng cấp lên cũng chỉ là bình mới rượu cũ, không giải quyết được vấn đề gì”, ông Kiên lưu ý.

Vậy theo ông ủy ban quản lý vốn nhà nước nên thuộc cấp nào quản lý?

Nếu lập ủy ban mới, nhưng vẫn đặt vấn đề có cấp quản lý sẽ lại đi theo lối mòn cũ, rồi phải đặt vấn đề cơ quan chủ quản là ai. Sao phải đặt vấn đề như thế? Ta nên thống nhất rằng, ủy ban quản lý vốn nhà nước là cơ quan hoạt động theo luật, không tương đương, không thuộc, không gắn vào bất kể một cơ quan nào.

Ủy ban được Chính phủ giao nhiệm vụ, Quốc hội giám sát, nhưng không phải là thành viên của Chính phủ, không phải hàng tháng báo cáo Chính phủ đầu tư gì, không đầu tư gì mới được phép thực hiện. Chúng ta phải quy định rõ việc đó.

Khi đầu tư kinh doanh có hiệu quả, thoái vốn tại DN tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước và dùng cho đầu tư phát triển. Chính phủ muốn dùng tiền thu được từ DNNN phải đầu tư vào lĩnh vực, dự án cụ thể. Để thấy khi thoái vốn tại DN tiền thu được sẽ đầu tư vào lĩnh vực khác, không phải thoái vốn để chi thường xuyên. Như vậy mới thấy được vai trò định hướng, đi trước mở đường của nhà nước.

Nếu lập một ủy ban quản lý vốn nhà nước mới, theo ông, điều lệ phải thế nào để làm rõ được cách thức hoạt động?

Nếu cần sẽ ban hành thêm 1 pháp lệnh để triển khai Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN. Đừng nghĩ theo nếp cũ, ủy ban phải thuộc ai, mà ủy ban này không thuộc ai cả tương tự Kiểm toán Nhà nước, hoạt động theo luật và chỉ theo luật, đúng luật là làm. Nếu lập ủy ban mà vẫn còn cơ quan chủ quản, rồi lại công tác cán bộ nữa sẽ không ổn.

Khi ủy ban hoạt động về sản xuất kinh doanh thì theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác. Còn cơ cấu tổ chức bộ máy, đánh giá về hiệu quả hoạt động của ủy ban chỉ theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, vì luật đã có tiêu chí và nguyên tắc hoạt động của ủy ban, được quyền làm gì, làm tới đâu.

Trên thế giới có nước nào lập ủy ban như vậy không, thưa ông?

Có rất nhiều nước hiện lập ủy ban như vậy. Nước nào tới giai đoạn nền kinh tế chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường cũng có một cơ quan quản lý vốn nhà nước, như ở Singapore, hay CHLB Đức hậu sáp nhập. Chúng ta giai đoạn này đang có tính tương đồng như họ giai đoạn trước đây, nên có thể học hỏi kinh nghiệm các nước về áp dụng với mình.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.