ĐB Quốc hội: Khi xây dựng thủy điện, trước tiên phải tránh thiệt hại cho dân

TPO - Sáng 5/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tranh luận với các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc.... về các vấn đề liên quan đến thuỷ điện và môi trường.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, chúng ta có những quy trình về pháp lý rất quan trọng, rất bài bản trong quản lý các dự án đầu tư để bảo đảm hiệu quả của các dự án. Cụ thể, căn cứ theo Luật Đầu tư, chúng ta có báo cáo về kinh tế, kỹ thuật và báo cáo ĐTM.

“Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, đánh giá xem dự án đó có hiệu quả hay không? Mức độ tác động tiêu cực thế nào? Không dừng ở đó, các dự án này còn phải thoả mãn các giải pháp, biện pháp để giảm bớt các hạn chế tiêu cực để khai thác tốt các ưu thế cũng như lợi ích từ các dự án này”, Bộ trưởng khẳng định.

ĐB Quốc hội: Khi xây dựng thủy điện, trước tiên phải tránh thiệt hại cho dân ảnh 1 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh Như Ý.

Về ý kiến liên quan đến các vấn đề quản lý đất, nhất là xâm dụng đất rừng tự nhiên, ông Trần Tuấn Anh lý giải, thực tế, đối với các dự án thuỷ điện có những khâu rất quan trọng.

Đầu tiên là phải bổ sung quy hoạch, khâu này xuất phát từ địa phương, địa phương căn cứ theo hướng dẫn như Thông tư 43 của Bộ Công Thương, hướng dẫn xem xét các dự án thuỷ điện bổ sung quy hoạch, trong đó nói rõ tiêu chí xây dựng đất là như thế nào, nếu vượt quá 10ha/1MW thì không được xem xét. Hoặc đất rừng tự nhiên thì cũng không được xem xét.

Khi bổ sung vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải làm thủ tục xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, TN&MT, Xây dựng, Công an… và nhiều cơ quan khác để bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên trong các quy hoạch. Đây là khâu chốt chặn đầu tiên, trong đó quy trình đầu tư bao gồm cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, sau đó là quản lý dự án đầu tư…

“Tôi nhấn mạnh báo cáo ĐTM dự án rất quan trọng, giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thông qua, để bảo đảm rằng quy định của pháp luật, nhất là liên quan đến môi trường được đảm bảo. Vì vậy, các báo cáo ĐTM đều phải đăng công khai trên các trang điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để biết được có đảm báo hay không”, Bộ trưởng khẳng định.

Thủy điện trước tiên nhằm mục tiêu trị thủy

Tranh luận về vấn đề thủy điện, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) liên hệ tới công trình thủy điện Sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới đến mục tiêu phát điện. Chính vì sử dụng trong điều tiết lũ, nên Hà Nội mới tránh được các trận lụt lịch sử; lũ lụt ở Đồng bằng Sông Hồng cơ bản được khắc phục.

Mặt tốt là vậy, còn về mặt trái, theo đại biểu Vân, đó là tình trạng lạm dụng trong xây dựng nhà máy thủy điện. “Lẽ ra, khi xây dựng thủy điện, phải nghĩ trước tiên đến thủy công, thủy lực, tránh thiệt hại cho dân, nhưng đáng tiếc, chủ nhà máy điện đã lạm dụng quy trình, trục lợi, phá rừng, lấy gỗ quý rừng tự nhiên, đó là điều đáng lên án”, ông Vân cảnh báo, đồng thời lưu ý, khi đánh giá về thủy điện, phải xem xét cho khách quan, nhiều chiều, không nên “vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”.

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, vấn đề ông đưa ra là cảnh báo câu chuyện cho 30 - 40 năm nữa, chứ không hẳn chỉ là câu chuyện của ngày hôm nay. “Lấy đất của dân, di dời dân chưa đền bù cho họ, vậy thì đừng nói 30-40 năm sau ai bỏ tiền ra”, ông Quốc cho hay.

Trước đó, tranh luận về mặt tích cực, tiêu cực của thủy điện với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thẳng thắn nêu: Tôi xin trao đổi lại với đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương mấy điểm như này. Trước hết, chúng ta biết rằng chúng ta có 3 đột phá chiến lược: thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng điện được coi là một trong những vấn đề rất quan trọng của cơ sở hạ tầng và tôi rất chia sẻ, đồng tình với đồng chí một điều rằng, thủy điện có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển và tôi cũng đồng tình rằng, thủy điện đúng là có tính 2 mặt.

“Tuy nhiên, đến bây giờ chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định rằng, thủy điện mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?”, ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trải qua vấn đề vừa qua thì người dân không biết đâu cả, nhưng cứ nhìn thấy thiệt hại vô cùng to lớn, nhãn tiền, xót xa mà không thể tính toán được.

“Đồng chí cũng nói đến đoạn không phá rừng tự nhiên, rồi có rừng nghèo, rừng kiệt và đặc biệt là đã có chỉ đạo. Tuy nhiên, chúng ta biết rồi, đôi khi Trung ương, thậm chí kể cả địa phương chỉ đạo nhưng mà các đơn vị cũng không thực hiện. Chúng ta không kiểm tra, không xử lý, chỗ này cũng chưa rõ”, đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) phát biểu: Nhân ý kiến trình bày của Bộ trưởng Bộ Công Thương và tranh luận của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố mà chúng ta đang bàn đến về lợi hại của hệ thống các thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn đến câu chuyện ngày hôm nay, nhưng giả dụ 40, 50 năm nữa khi đã hết khấu hao, khi đã không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả các công trình xây ở nơi rừng sâu, núi thẳm này sẽ là một quả bom nổ chậm. “Nguồn nhân lực nào quản lý nó?”, ĐB Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG