ĐB-113 và những cú knock-out tội phạm đáng nể

Tổ đặc biệt - 113 phối hợp với các lực lượng thu giữ gần 30 tấn hàng lậu.
Tổ đặc biệt - 113 phối hợp với các lực lượng thu giữ gần 30 tấn hàng lậu.
"Bí mật, đánh nhanh, đánh chắc và thắng gọn"- với những cách đánh đó, tuy thời gian thành lập mới được hơn 2 năm nay, họ đã ghi nhiều chiến công, tạo ra những cú knock- out vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, gây nức lòng người dân…

Ở Tổng cục Cảnh sát, có một đội quân rất đặc biệt, không thuộc biên chế của một Cục nghiệp vụ nào cả, do chính đồng chí Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát trực tiếp phụ trách. Tổ đặc biệt 113 (ĐB-113)- tên gọi của lực lượng này cũng thể hiện một phần tính chất công việc của họ, đó là phản ứng nhanh, giải quyết các vấn đề "nóng", nhạy cảm tại các địa bàn trọng điểm theo sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tổng cục.

"Bí mật, đánh nhanh, đánh chắc và thắng gọn"- với những cách đánh đó, tuy thời gian thành lập mới được hơn 2 năm nay, họ đã ghi nhiều chiến công, tạo ra những cú knock- out vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, gây nức lòng người dân…

Trụ sở đầu tiên của tổ công tác này là một căn phòng làm việc không biển hiệu, không ai biết, nằm ở một vị trí ít ai ngờ đến. Hơn 2 năm trôi qua, nơi làm việc của tổ ĐB-113 đã được mở rộng hơn, thêm một căn phòng nữa, cơ sở vật chất cũng tốt hơn.

Thế nhưng, vẫn không căn phòng nào có biển hiện, không một dòng chức danh của các đồng chí lãnh đạo bởi tính chất bí mật trong công việc của các anh. Tôi có lẽ là phóng viên duy nhất may mắn được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho phép được tiếp cận với những căn phòng đặc biệt với những con người cũng rất đặc biệt ấy. …

Nhiệm vụ của tổ công tác đặc biệt là đấu tranh với các băng nhóm tội phạm có tổ chức, nổi lên gây bức xức dư luận địa phương. Đặc điểm của các loại băng nhóm này là thường có mối quan hệ với một số cán bộ của chính quyền sở tại và hết sức côn đồ, hung hãn, khiến người dân bức xức nhưng không dám phản ứng.

Để triệt phá thành công các băng nhóm này, một trong những quy tắc làm việc đầu tiên của Tổ ĐB-113 là tổ chức điều tra, xác minh độc lập, đơn tuyến. Có những vụ án, các trinh sát, điều tra viên hoạt động nắm tình hình ở các địa phương đến 2-3 tháng, nhưng tịnh không một ai, kể cả đồng nghiệp tại địa phương biết được. Để làm được điều đó, mỗi CBCS của Tổ ĐB-113 phải là một con người quả cảm, bản lĩnh, biết linh hoạt xử lý các tình huống và chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ, không bị mua chuộc trước bất cứ sự cám dỗ nào.

Được thành lập từ cuối năm 2012, Tổ ĐB-113 gồm các cán bộ chỉ huy, các trinh sát, điều tra viên được lựa chọn từ một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát, trực tiếp do Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng và Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo. Họ thực sự có năng lực, có tư duy tốt, dám lăn xả vì nhiệt huyết với công tác đấu tranh chống tội phạm.

Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Tổ phó Tổ ĐB- 113 là người đã gắn bó và tâm huyết với lực lượng này từ những ngày đầu tiên. Tôi còn nhớ rất rõ cái dáng gù gù của anh vì quá nhiều ngày phải "chúi" vào đống hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ triệt phá băng nhóm của Hà Tuấn Dũng, tức Dũng "mặt sắt". Anh là người trực tiếp tham gia và chỉ đạo công việc trinh sát, điều tra vụ án gây chấn động này.

Sau khi băng nhóm của anh em Phương "Ninh hột" bị Cục Cảnh sát hình sự (C45) phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh triệt phá thì Dũng "mặt sắt" đã cướp thời cơ để vươn lên thành "ông trùm bao biên" ở khu vực này.

Mang danh là doanh nghiệp nhưng hoạt động của băng nhóm Dũng "mặt sắt" sặc mùi băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen". Thậm chí, bọn chúng còn câu kết với một số đối tượng biến chất trong các cơ quan Nhà nước để lộng hành, o ép những người dân làm ăn đường biên xứ này. Chính vì chúng có "mối quan hệ", lại rất manh động và liều lĩnh nên công tác trinh sát, xác minh của các trinh sát thuộc Tổ ĐB-113 rất vất vả và nguy hiểm.

Nhiều ngày tháng lăn lộn làm công tác xác minh ở vùng biên giới Móng Cái, nhưng các trinh sát luôn phải cực kỳ bí mật, theo sát và thu thập tài liệu về các đối tượng giang hồ cộm cán trong băng nhóm của Dũng "mặt sắt". Nếu không có bản lĩnh, sự dũng cảm và nghiệp vụ cao thì khó có thể thu được kết quả.

"Để "bóc trần" được băng nhóm này, điều quan trọng nhất là phải chứng minh được rõ ràng hành vi phạm tội của bọn chúng. Đó là một việc làm mất rất nhiều thời gian và trí lực. Chẳng hạn, để chứng minh các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép ô tô qua biên giới, nhóm điều tra viên chúng tôi phải tìm được chứng cứ quan trọng nhất, đó chính là số Vin thực tế của xe không đúng với số Vin mà các doanh nghiệp kê khai trong hồ sơ tạm nhập, tái xuất với cơ quan hải quan"- Thượng tá Sơn cho biết.

Nhưng để làm được điều này, suốt 6 tháng ròng rã, các điều tra viên phải "lang thang" ở các đơn vị hải quan thuộc khu vực biên giới để tìm hiểu về bản chất của việc buôn lậu qua đường tạm nhập, tái xuất, bản chất của số Vin…

Để đảm bảo bí mật của chuyên án, họ không thể làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng như bình thường. Thậm chí, nhiều lần, các anh trong những vai diễn khác nhau, tự lần mò ra các bãi xe, chui vào gầm xe để quan sát các số Vin, tìm hiểu việc các đối tượng có thể làm sai lệch số Vin như thế nào?…

Sau khi đã thu thập được đầy đủ các tài liệu chứng cứ báo cáo lãnh đạo tổ, lãnh đạo Tổng cục, đêm 5/5/2013, trực tiếp Trung tướng Phan Văn Vĩnh phát đi mệnh lệnh triệt phá băng nhóm Dũng "mặt sắt". Tất cả quân số của Tổ ĐB-113 phối hợp với các lực lượng khác như cơn lốc tấn công vào băng nhóm của Dũng "mặt sắt" khi chúng đang vận chuyển trái phép ô tô qua biên giới tại một cống ngầm ở khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà, Quảng Ninh).

Trong cơn mưa tầm tã, do bị một chiếc ô tô cản đường, họ phải vác súng chạy bộ 5km để kịp thời bắt quả tang hành vi phạm tội của các đối tượng.

ĐB-113 và những cú knock-out tội phạm đáng nể ảnh 1

Bắt giữ và dẫn giải các đối tượng trong băng nhóm của Dũng "mặt sắt".

Mỗi trận đánh là một cuộc đấu trí và đấu cả sức vô cùng căng thẳng. Họ không chỉ triệt phá được các băng nhóm tội phạm, mà còn đi đầu trong việc cảnh báo tội phạm cũng như phát hiện những sơ hở, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước "trám" kín trong công tác quản lý kinh tế- xã hội. Tổ công tác đặc biệt chính là lực lượng đi đầu trong việc triệt phá các băng nhóm cát tặc và bảo kê trên sông Lô.

Sau việc triệt phá này, các địa phương trên tuyến đã kịp thời chấn chỉnh lại việc quản lý công việc khai thác cát trên sông Lô. Công an các địa phương dọc tuyến cũng triển khai quyết liệt việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát. Trật tự và bình yên trên sông Lô đã được thiết lập lại, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên…

Sở dĩ hoạt động buôn lậu của băng nhóm Dũng "mặt sắt" diễn ra được trong một thời gian dài là vì chúng đã lợi dụng chính sách "tạm nhập, tái xuất" để đưa hàng trăm chiếc ô tô qua biên giới. Sau khi băng nhóm này bị Tổ ĐB- 113 triệt phá, các cơ quan chức năng đã phải xem xét lại những kẽ hở trong chính sách "tạm nhập, tái xuất" bị bọn tội phạm lợi dụng để buôn lậu xuyên quốc gia.

Cục thuế tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp, phát hiện nhiều doanh nghiệp nợ thuế, trốn thuế, buộc phải truy thu. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới ở các cửa khẩu tại Quảng Ninh cũng như các tỉnh biên giới khác buộc phải chấn chỉnh theo đúng quy định của Bộ Công thương và UBND tỉnh…

"Chúng tôi có nhiệm vụ giải quyết tức thì các băng nhóm tội phạm có tổ chức lộng hành, hoặc khi có vấn đề phức tạp về ANTT diễn ra"- Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó Cục trưởng, tổ trưởng hiện nay của Tổ ĐB- 113 cho biết. Vì thế, trong những ngày cuối năm vừa qua, bên cạnh những chuyên án đang làm, Tổ ĐB 113 được lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quyết định "tung" vào để bóc trần thủ đoạn buôn lậu của các cá nhân và doanh nghiệp trá hình.

"Muốn đánh buôn lậu thì phải biết được điểm xuất phát của nó. Chính vì thế không biết bao nhiêu ngày đêm, các trinh sát của chúng tôi đã có mặt ở các tỉnh biên giới để theo dấu vết và tìm ra phương thức buôn lậu của các nhóm đối tượng"- Trung tá Thái Quốc Bình, Tổ phó Tổ ĐB-113 cho biết.

Ba đường dây buôn lậu rất lớn đã được Tổ ĐB- 113 chặn bắt, điển hình nhất là chiến công bắt giữ 30 tấn hàng lậu tối 22/1 vừa qua. Sau một thời gian theo sát và nắm bắt các di biến động của đường dây này, các trinh sát của Tổ ĐB- 113 đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế kiểm tra xe ô tô mang BKS 98C-042.17 đang tập kết tại chân cầu Vĩnh Tuy. Lái xe là Phan Xuân Lý, SN 1982, trú tại Tập thể Kép, Lạng Giang, Bắc Giang, vận chuyển hàng hoá trên tuyến Lạng Sơn - Hà Nội.

Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện một số sai phạm và đã tạm giữ khoảng hơn 30 tấn hàng, gồm linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, hàng gia dụng… không rõ nguồn gốc.

Theo nhận xét của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, đây là đội quân tinh nhuệ, là mũi nhọn của Tổng cục trong việc tấn công các tổ chức tội phạm đang có dấu hiệu hoạt động lộng hành ở các địa phương. Từ khi thành lập đến nay, dù lập nhiều chiến công xuất sắc nhưng ít ai thấy tên và hình ảnh của các anh xuất hiện trên báo chí. Cho đến hôm nay, sau hơn 2 năm, trong bài báo này, tôi mới chỉ có thể được phép đưa tên một số đồng chí lãnh đạo của lực lượng đặc biệt này, chỉ mong được tri ân một phần công lao các anh đã đóng góp cho sự bình yên của người dân.

Tự hào về những người lính của mình, nhưng Đại tá Nguyễn Mạnh Hà cũng rất cảm thương với các chiến sĩ khi cuộc sống hàng ngày của gia đình họ còn gặp nhiều khó khăn, khi họ phải biền biệt xa nhà để phục vụ cho công tác, khi họ luôn phải thường trực đối mặt với sự hy sinh. Họ lại không thuộc một đơn vị chính thức nào nên đôi khi, cũng thiệt thòi trong quá trình phấn đấu chức vụ.

Cứ đến dịp đầu xuân, lãnh đạo Tổ ĐB - 113 tổ chức gặp mặt vợ con của các CBCS trong tổ. Lời đầu tiên mà người chỉ huy cao nhất của tổ công tác nói với những người vợ, hậu phương của các CBCS, đó là lời xin lỗi. Bởi vì công việc quá bận và căng thẳng, thời gian của các anh dành cho gia đình không đủ làm tròn phận sự của người cha, người chồng. Và trong tháng giêng năm Ất Mùi này, lãnh đạo đơn vị cũng tổ chức cho vợ con các CBCS gặp nhau đầu xuân.

"Vẫn phải một lời xin lỗi, mong các chị làm hậu phương vững chắc cho anh em yên tâm công tác"- Đại tá Hà cho biết.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.