Dạy và học nghề phổ thông: Học mãi… vẫn bằng 0

Dạy và học nghề phổ thông: Học mãi… vẫn bằng 0
Bên cạnh việc học văn hóa, công tác dạy và học nghề ở các trường THPT đến nay được ngành Giáo dục coi trọng với mong muốn bổ sung các kỹ năng thực tế cho học sinh. Thế nhưng thực tế, ý nghĩa mang lại cho các em lại không như kỳ vọng.

> Thiếu giáo viên, chất lượng trường nghề thấp

Bên cạnh việc học văn hóa, công tác dạy và học nghề ở các trường THPT đến nay được ngành Giáo dục coi trọng với mong muốn bổ sung các kỹ năng thực tế cho học sinh. Thế nhưng thực tế, ý nghĩa mang lại cho các em lại không như kỳ vọng.

Học sinh thực hành nghề tin học
Học sinh thực hành nghề tin học .

Học vì thành tích

Khi được hỏi về lí do tham gia các lớp học nghề phổ thông, phần lớn các em học sinh, những đối tượng trực tiếp của công tác này đều trả lời rằng: “Học vì sẽ được điểm cộng ưu tiên khi tốt nghiệp”.

Thực tế, đa phần học sinh đều không mấy mặn mà và chú trọng đến việc học nghề. Bởi lẽ, điểm cộng cho việc tốt nghiệp nghề phổ thông chỉ là “chiếc phao cứu sinh” đối với những học sinh cá biệt, không đủ điểm để tốt nghiệp các cấp. Còn đối với những học sinh có lực học trung bình trở lên thì tấm bằng chứng chỉ tốt nghiệp nghề mà các em có được hoàn toàn không có chút giá trị nào.

Song, nếu như nhìn trên diện rộng, tại hầu khắp các trường từ THCS đến PTTH, số lượng học sinh đăng ký học các lớp học nghề gần như tối đa. Số này bao gồm không chỉ các học sinh có học lực yếu và trung bình mà có rất nhiều học sinh thuộc diện khá giỏi.

Vậy lí do nào khiến ngay cả những học sinh có học lực tốt cũng bất chấp việc mất thêm thời gian cho việc học nghề chỉ vì 1 - 1,5 điểm cộng tối đa trong trường trường hợp trượt tốt nghiệp, điều mà có lẽ sẽ không thể xảy ra với các em? Câu trả lời nằm ở phía phụ huynh và nhà trường.

Các trường vận động, kêu gọi, thậm chí là bắt buộc các học sinh của mình học nghề cũng không nằm ngoài mục đích... thành tích. Số lượng học sinh tốt nghiệp nghề phổ thông càng nhiều, đồng nghĩa với việc thành tích đỗ tốt nghiệp của nhà trường càng được đảm bảo hơn...

Quy định của Bộ GD-ĐT nêu rõ, các trường THPT phải tổ chức bố trí cho các học sinh được quyền tự do lựa chọn việc học và nghề học mà các em yêu thích. Theo đó, các em có thể chọn học một trong số mười một nghề khác nhau như Điện, Tin học, May, Nấu ăn,… Thế nhưng, số trường thực hiện đúng quy định này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) - Đoàn Hạnh cho biết, “Dù quy định của Bộ là cho phép học sinh tự do lựa chọn việc học nghề phổ thông nhưng vì đảm bảo cho các em có một kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi vẫn yêu cầu tất cả các em tham gia học nghề. Hiện nhà trường yêu cầu 100% các em học sinh lớp 11 phải đăng kí tham gia học nghề do nhà trường tổ chức...”

Học nhiều mà chẳng được bao nhiêu

Học nghề là học kỹ năng thực tế, nhưng thực sự của việc dạy và học chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Nếu các em có “nghề” thực sự sau khi học nghề phổ thông thì cũng có thể chấp nhận. Thế nhưng thực tế, sau khi thi xong, được cấp giấy chứng nhận rồi thì các em hầu như "nghề thầy trả thầy".

Một học sinh lớp 8 học nghề phổ thông ngành điện, lên lớp 9 hỏi về nguyên lý mắc mạch song song, không trả lời được. Một học sinh lớp 11, học nghề Thêu từ cấp hai đến giờ mà vẫn không nhớ nổi cách thêu móc hay thêu chữ V như thế nào khi được hỏi....

Vậy là học đông, học nhiều nhưng kết quả thu lại được từ việc dạy và học nghề phổ thông vẫn chỉ quanh quẩn ở con số “0” tròn trĩnh. Do tham gia học nghề theo kiểu lấy lệ, đối phó, không ít học sinh được cấp giấy chứng chỉ nghề loại khá, giỏi hẳn hoi nhưng không bao lâu sau, những kiến thức thu được từ lớp học nghề đã “rơi rụng” hết.

Đó là chưa kể đến sự lãng phí không nhỏ về thời gian, chi phí của phụ huynh, học sinh và ngân sách nhà nước. Nếu cho rằng việc dạy, học và thi nghề phổ thông là do nhu cầu của phụ huynh và học sinh, thì khi Bộ GD-ĐT bỏ chủ trương cộng điểm khuyến khích liệu học sinh có còn động lực để đăng ký theo học?

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều người đặt câu hỏi: Việc duy trì chế độ cộng điểm khuyến khích cho học sinh trong khi chứng chỉ thi nghề không phản ánh đúng chất lượng học tập của học sinh là một biểu hiện của “bệnh” thành tích?

Theo Lê Anh Việt
VietNamNet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG